* Các bang miền Nam tê liệt giao thông do bão tuyết kéo dài
Lực lượng cứu hỏa của Mỹ vẫn đang chạy đua với thời gian để ngăn các đám cháy rừng lan rộng ở California.
Các máy bay thả nước và chất chống cháy đã được thả xuống những ngọn đồi dốc ở Los Angleles nhằm ngăn đám cháy rừng Palisades lan về phía đông.
Trên mặt đất, các nỗ lực chữa cháy cũng đang được tăng cường trong bối cảnh gió giật lên tới 112 km/h có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Theo giới chức địa phương, trong 24 giờ qua, đám cháy Palisades đã lan rộng thêm 400ha, thiêu rụi thêm nhiều công trình.
Trước đó cùng ngày, quan chức của Sở lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire) cho biết dù lực lượng chức năng đã khống chế được 11% diện tích của Palisades, song đám cháy này đã thiêu rụi hơn 8.900ha.
Đám cháy đã lan tới khu phố Mandeville Canyon và đe dọa lan tiếp sang khu phố cao cấp Brentwood, nơi có những người nổi tiếng sinh sống và vui chơi. Đám cháy cũng đang tiến về Thung lũng San Fernando và về phía xa lộ 405 Bắc - Nam.
Nhà chức trách xác nhận số người thiệt mạng trong 6 đám cháy rừng xảy ra đồng thời ở Los Angeles từ ngày 7/1 đã tăng lên 16 người. Ít nhất 12.000 công trình đã bị phá hủy, hơn 10 người mất tích.
Số người thiệt mạng dự kiến tiếp tục tăng khi lính cứu hỏa có thể vào từng nhà để tìm kiếm nạn nhân. Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) cảnh báo nguy cơ xuất hiện những cơn gió Santa Ana - với sức giật lên tới 112km/h vào đêm 11/1 đến sáng 12/1 và từ đêm 13/1 đến sáng 14/1 tại các hạt Los Angeles và Ventura - có thể khiến cháy rừng trầm trọng hơn nữa.
Nhà khí tượng học Rose Schoenfeld của NWS nhấn mạnh giai đoạn cháy rừng nghiêm trọng hiện nay có thể kéo dài đến ngày 15/1 và tình hình có thể dịu bớt vào ngày 16/1.
Hiện, 153.000 người dân ở Los Angeles đã được lệnh sơ tán và 166.000 người trong diện cảnh báo sẵn sàng di dời.
Một số chính quyền địa phương ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn nguy cơ xảy ra cướp bóc, trong khi cảnh sát và lực lượng vệ binh quốc gia lập các chốt kiểm soát ngăn chặn mọi người vào khu vực thảm họa.
Trong khi đó, số khách hàng bị mất điện đã giảm xuống còn 50.000 người, so với mức hơn 500.000 người trong vài ngày trước.
Đây là vụ cháy rừng có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử Los Angeles và đã san phẳng nhiều khu vực dân cư. Lực lượng chức năng đang mở cuộc điều tra lớn về nguyên nhân gây cháy.
* Cùng ngày, trong khi miền Tây đang chạy đua với gió mùa để dập tắt các đám cháy, thì nhiều bang miền Nam nước này đang cố gắng trở lại nhịp sinh hoạt sau trận bão tuyết kéo dài 1 tuần gây gián đoạn sinh hoạt của người dân do trường học đóng cửa, giao thông tê liệt và các chuyến bay bị hủy.
Các sân bay lớn, bao gồm cả các sân bay ở Atlanta và Charlotte, North Carolina, tiếp tục bị gián đoạn hoạt động.
Theo phần mềm theo dõi FlightAware, tính đến chiều 11/1 theo giờ địa phương, khoảng 1.000 chuyến bay đến và đi từ Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta đã bị hủy hoặc hoãn. Người dân xếp hàng dài để kiểm tra an ninh tại các nhà ga.
Mưa đá đã khiến 110.000 người ở Georgia bị cắt điện vào đêm 10/1 nhưng sau gần một ngày thì giảm xuống chỉ còn vài nghìn người. Tại Richmond, thủ phủ của Virginia, khoảng 200.000 người bị ảnh hưởng do cắt nước.
Trong đợt bão tuyết này, nhiều thành phố đã ghi nhận lượng tuyết nhiều hơn trung bình hằng năm gấp nhiều lần. Cho đến 7 giờ ngày 11/1 theo giờ địa phương, một số khu vực miền núi phía Tây North Carolina và miền Trung Tennessee vẫn ghi nhận tuyết rơi dày 11-15cm trong vòng 24 giờ.
Theo cơ quan thời tiết Mỹ, bão tuyết đã di chuyển ra ngoài khơi bờ Đông, với dự báo sẽ có mưa tuyết ở dãy núi Appalachian và New England. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn sẽ giảm mạnh sau khi Mặt trời lặn, làm tăng nguy cơ tuyết tan sẽ đóng băng trở lại, gây nguy hiểm cho việc lưu thông do trơn trượt.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)