Ngày 10/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích Meta vì loại bỏ chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba trên mạng xã hội Facebook và Instagram tại Mỹ.
Phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã phản đối quyết định của Meta, cho rằng động thái này "hoàn toàn trái ngược với những gì mà nước Mỹ hướng đến".
Cùng ngày, Tổng chưởng lý Brazil Jorge Messias thông báo Chính phủ Brazil sẽ cho tập đoàn công nghệ Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu với báo giới tại Brasilia, ông Messias cho biết hiện Chính phủ Brazil rất quan ngại trước quyết định nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta, đồng thời yêu cầu tập đoàn này cung cấp thông tin “về các biện pháp đang được thực hiện để hạn chế bạo lực giới, bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, phòng chống phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phòng chống tự tử, tử vong, ngôn từ kích động thù địch và các vấn đề về quyền cơ bản khác”.
Tổng trưởng lý Messias cũng yêu cầu Meta làm rõ liệu có công bố minh bạch các báo cáo về việc kiểm tra thông tin sai lệch được thực hiện thông qua ghi chú cộng đồng hay không, một phương pháp gần đây được mạng xã hội X áp dụng.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề này, Tổng thống Brazil Lula da Silva hoan nghênh Chính phủ Pháp đã phản đối việc Meta tuyên bố nới lỏng kiểm tra thông tin đăng tải trên Facebook, Instagram và WhatsApp.
Trước đó, ngày 9/1, Tổng thống Lula da Silva tuyên bố việc nới lỏng kiểm duyệt thông tin của Meta "rất nghiêm trọng" và đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 10/1 để xem xét những tác động của chính sách này đối với Brazil. Meta vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những chỉ trích và yêu cầu của Brazil.
Hôm 7/1 vừa qua, Meta thông báo đang điều chỉnh chính sách kiểm duyệt nội dung, trong đó chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba tại Mỹ và chuyển sang hình thức "Ghi chú cộng đồng" cho phép người dùng góp ý xác minh thông tin. Tuy nhiên, sau đó Meta cho biết sẽ áp dụng chính sách này tại tất cả các quốc gia mà công ty này đang hoạt động.
Mạng lưới Kiểm tra Thông tin Quốc tế (IFCN) đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng, nếu Meta mở rộng sự thay đổi chính sách sang quốc gia khác ngoài Mỹ.
Meta hiện đang triển khai các chương trình của hãng tại hơn 100 quốc gia. Trong thư gửi tới Giám đốc điều hành (CEO) của Meta Mark Zuckerberg, IFCN cảnh báo một số quốc gia rất dễ bị tổn thương trước những thông tin sai lệch gây bất ổn chính trị, vấn nạn bạo lực.
Tổ chức này bày tỏ lo ngại nếu Meta quyết định dừng chương trình trên toàn thế giới sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng tại nhiều nơi.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)