Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ và Trung Quốc, châu Âu đang theo đuổi một chiến lược riêng biệt nhằm khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng thống trị, các doanh nghiệp châu Âu quyết tâm không đứng ngoài cuộc đua này.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của châu Âu được cho là phát triển AI theo hướng có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức. Luật AI, có hiệu lực từ tháng 8/2024, đã thiết lập một khung pháp lý nhằm bảo đảm rằng công nghệ AI phát triển trên cơ sở tôn trọng quyền riêng tư và minh bạch thông tin.
Vào tháng 1/2024, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu, đã bày tỏ mong muốn rằng AI tại châu Âu sẽ phản ánh các giá trị cốt lõi liên quan đến minh bạch và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chuyên gia nhận định, nhờ sự khác biệt này, các doanh nghiệp châu Âu có thể thu hút sự quan tâm từ những nhà đầu tư và người dùng quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu và đạo đức công nghệ.
Thay vì đối đầu trực tiếp với những tên tuổi lớn như OpenAI trong lĩnh vực phát triển mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, châu Âu chọn tập trung vào các ứng dụng AI trong những lĩnh vực chuyên biệt. Các ngành như y tế, năng lượng và dịch vụ công được xem là ưu tiên hàng đầu.
Tại Bỉ, công ty Icometrix đã ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thần kinh học. Cuối năm 2024, công ty này thông báo hợp tác với tập đoàn Philips nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Tại Đức, Siemens Energy đang triển khai các công cụ AI để tối ưu hóa mạng lưới năng lượng tái tạo, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Một cái tên đáng chú ý khác là startup Mistral.AI của Pháp. Thành lập năm 2023 bởi Arthur Mensch - cựu chuyên gia AI của DeepMind và hai nhà nghiên cứu từng làm việc tại Meta, Mistral. AI nhanh chóng tạo tiếng vang với mô hình ngôn ngữ thế hệ mới.
Tháng 6/2024, công ty đã huy động được gần 600 triệu euro để phát triển các giải pháp AI mã nguồn mở, thu hút cộng đồng quốc tế gồm nhiều nhà phát triển và nhà nghiên cứu. Arthur Mensch từng khẳng định trên tờ Les Echos: “Mistral là câu trả lời táo bạo của chúng tôi dành cho những ai nghi ngờ khả năng sáng tạo đỉnh cao của Pháp và châu Âu”.
Bên cạnh những thành tựu ban đầu, châu Âu cũng đang tăng cường hợp tác xuyên biên giới. Chương trình Horizon Europe, với ngân sách 95,5 tỉ euro cho giai đoạn 2021-2027, là một trong những sáng kiến nổi bật nhằm tài trợ các dự án hợp tác công nghệ, bao gồm AI. Mục tiêu của châu Âu là tạo ra một “Thung lũng Silicon phiên bản châu Âu”, cạnh tranh trực tiếp với các hệ sinh thái công nghệ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn đầy thách thức. Vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp châu Âu là khả năng thu hút vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc giữ chân các nhà khoa học, kỹ sư hàng đầu đòi hỏi các công ty châu Âu phải cạnh tranh mạnh mẽ với mức lương và điều kiện làm việc hấp dẫn từ các đối thủ ở Mỹ và châu Á.
Với định hướng phát triển AI có trách nhiệm, các lĩnh vực ưu tiên chiến lược và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, châu Âu đang từng bước tạo dựng một vị thế riêng trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng các chuyên gia tin rằng với sự hợp tác và đầu tư đúng đắn, châu Âu có thể biến tham vọng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới thành hiện thực.
Theo TTXVN/Vietnam+