* Căng thẳng kéo dài giữa Tập đoàn Meta và Chính phủ Canada
Ngày 24/11, Bộ trưởng Truyền thông Úc Michelle Rowland cho biết nước này đã hủy kế hoạch phạt các công ty truyền thông xã hội không ngăn được việc lan truyền thông tin sai lệch.
Bộ trưởng Rowland cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi gặp phải phản đối dữ dội tại Thượng viện. Dự luật này cho phép phạt các công ty công nghệ lên tới 5% doanh thu hằng năm nếu các công ty này vi phạm các nghĩa vụ an toàn trực tuyến mới.
Úc đang dẫn đầu nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý các công ty công nghệ lớn. Chính phủ nước này dự kiến sẽ sớm ban hành lệnh cấm mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi.
Theo dự luật công bố ngày 21/11, các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt hơn 30 triệu USD nếu không có biện pháp ngăn trẻ em truy cập các nền tảng của họ.
Tuy nhiên, một số công ty như YouTube sẽ được miễn quy định trên, vì các em có thể cần sử dụng cho mục đích học tập hoặc các lý do khác. Nếu được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ có thời hạn 1 năm để tìm cách triển khai và thực hiện quy định mới.
Các công ty truyền thông xã hội đã cam kết sẽ tuân thủ nhưng cũng khuyến cáo Chính phủ Úc không nên hành động quá vội vã khi chưa có sự tham vấn phù hợp.
Từng được ca ngợi là công cụ duy trì kết nối và cập nhật thông tin nhanh chóng, các nền tảng mạng xã hội đã bị hoen ố hình ảnh vì vấn nạn bắt nạt trên mạng, việc lan truyền nội dung bất hợp pháp và các khiếu nại can thiệp bầu cử.
Một số quốc gia và chính quyền địa phương đã thắt chặt quyền truy cập của trẻ em vào các nền tảng mạng xã hội như Tây Ban Nha cấm trẻ dưới 16 tuổi từ tháng Sáu vừa qua, hay bang Florida của Mỹ sẽ cấm trẻ dưới 14 tuổi kể từ tháng 1/2025.
* Tập đoàn Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook và Instagram, tiếp tục từ chối công bố thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Phát thanh Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC), để có thể xác định liệu công ty này có phải tuân thủ Đạo luật tin tức trực tuyến hay không.
Trước đó, tập đoàn này cho biết đã chặn mọi tin tức bị phát tán trên các nền tảng mạng xã hội trực thuộc. Theo tuyên bố ngày 22/11 của Văn phòng Bộ trưởng Di sản Pascale St-Onge, hành động của Meta rất đáng lo ngại bởi tập đoàn đang tự đưa ra cách giải quyết riêng mà không tuân thủ theo sự giám sát vì lợi ích của công chúng đã được ghi thành luật của Canada.
Hiện tại, Meta vẫn từ chối công khai thông tin theo yêu cầu hoặc giải thích lý do tại sao họ phải giữ bí mật thông tin nói trên.
Năm 2023, Meta đã thực hiện động thái chặn tin tức của Canada xuất hiện trên Facebook và Instagram, để phản ứng với Đạo luật tin tức trực tuyến của Canada, yêu cầu Meta và Google phải trả phí cho các hãng sản xuất tin tức trong nước để những nội dung đó được hiển thị miễn phí trên các nền tảng của tập đoàn.
Trên thực tế, Meta chỉ có thể chặn những nội dung trên bị phát tán thông qua chia sẻ, nhưng không thể chặn được người sử dụng thực hiện các thao tác chụp lại nội dung đó và đăng tải lại hoặc sao chép nội dung để lồng ghép vào các bài đăng của mình. Điều này dẫn tới việc Chính phủ Canada cho rằng Meta sẽ nằm trong phạm vi chịu điều chỉnh của Đạo luật tin tức trực tuyến và trao quyền quyết định cho CRTC.
Cơ quan này đã thực hiện việc rà soát và cấp quyền miễn trừ cho Google, do “gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến” đã thanh toán 100 triệu CAD (71,26 triệu USD) cho các hãng tin Canada.
CRTC cũng đã thông báo cho Meta việc nội dung tin tức của các hãng tin Canada vẫn xuất hiện trên các nền tảng của Meta tại nước này và yêu cầu tập đoàn phải báo cáo về những biện pháp mà họ thực hiện để ngăn chặn thông tin phát tán.
Meta cho tới nay vẫn từ chối cung cấp báo cáo với lý do bảo mật, trong khi CRTC nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục xác định các bước tiếp theo, bao gồm cả việc giải quyết vấn đề bảo mật.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)