* Úc tiếp tục thắt chặt quy định đối với các công ty công nghệ
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/11 đã phạt Tập đoàn công nghệ Meta 797,72 triệu euro (840 triệu USD) vì vi phạm các quy định chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).
Mức phạt này là một trong những mức phạt lớn nhất mà EC đã áp đặt đối với các tập đoàn công nghệ quy mô lớn trong những năm gần đây, đồng thời nằm trong 10 mức phạt nặng nhất của EU liên quan đến các quy định chống độc quyền.
Cụ thể, EC cho biết tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở ở California (Mỹ) cung cấp cho người dùng Facebook quyền truy cập tự động vào dịch vụ quảng cáo Marketplace của Facebook. Do tính năng Marketplace gắn liền với Facebook, nên tất cả người dùng Facebook đều tự động được tiếp cận và thường xuyên tiếp xúc với Facebook Marketplace dù họ có muốn hay không, qua đó tạo lợi thế đáng kể mà các đối thủ cạnh tranh không có được.
Về phần mình, Meta đưa ra thông báo, khẳng định người dùng Facebook có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia hoạt động đăng và xem quảng cáo về hàng hóa và dịch vụ trên tính năng Marketplace. Meta tuyên bố sẽ kháng cáo, cho rằng quyết định nói trên đã bỏ qua thực tế rằng thị trường quảng cáo trực tuyến đang phát triển nhanh chóng ở châu Âu.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng cho rằng Meta lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường bằng cách áp đặt các điều kiện kinh doanh không công bằng đối với các đối thủ cạnh tranh trong dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng của Meta gồm Facebook và Instagram. Điều này giúp Meta sử dụng dữ liệu liên quan đến quảng cáo do các nhà quảng cáo khác tạo ra vì lợi ích riêng của Facebook Marketplace.
Trong khi đó, Meta khẳng định đã xây dựng các hệ thống, cũng như biện pháp kiểm soát để đảm bảo không sử dụng dữ liệu của đối thủ quảng cáo.
* Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong bối cảnh cuộc chiến với các công ty công nghệ lớn ngày càng leo thang, Chính phủ Liên bang Úc đã công bố kế hoạch áp đặt “nghĩa vụ chăm sóc kỹ thuật số” đối với những công ty công nghệ để giảm thiểu tác hại của các nền tảng trực tuyến.
Thông báo này được đưa ra sau các kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ nhằm ban hành lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và áp đặt những quy tắc chặt chẽ hơn đối với các nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook, Instagram, X và TikTok để đẩy lùi tình trạng đưa thông tin sai lệch và tin giả.
Giải thích lý do chính phủ lên kế hoạch áp đặt “nghĩa vụ chăm sóc kỹ thuật số", Bộ trưởng Truyền thông Úc Michelle Rowland cho rằng điều “nghĩa vụ chăm sóc kỹ thuật số” là nghĩa vụ pháp lý nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân. Nó không chỉ giới hạn ở việc không gây hại, mà nó còn có nghĩa là thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn tác hại. Đây là một bước tiến tích cực và phù hợp với những khu vực pháp lý khác trên thế giới.
“Nghĩa vụ chăm sóc kỹ thuật số” được đề xuất sẽ yêu cầu các công ty công nghệ như Meta, Google và X bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tổn hại trên nền tảng trực tuyến của họ, đồng thời phải thường xuyên tiến hành đánh giá rủi ro để chủ động xác định nội dung có hại, ví dụ các nội dung gây hại cho giới trẻ, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần, các nội dung hướng dẫn và khuyến khích các hành vi có hại hoặc các nội dung, hành vi và hoạt động bất hợp pháp khác.
Cùng với việc đặt trách nhiệm lên vai các công ty công nghệ trong việc bảo vệ người dùng nền tảng của họ, những hành động này cũng trao quyền chống lại nội dung có hại cho người tiêu dùng. Ví dụ, người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại trực tuyến về tài liệu có hại trực tiếp tới các công ty công nghệ, những người có nghĩa vụ pháp lý phải giải quyết các khiếu nại này.
Trong trường hợp một công ty công nghệ từ chối xóa nội dung, người dùng có thể khiếu nại với Điều phối viên Dịch vụ Kỹ thuật số để điều tra thêm. Họ thậm chí có thể đệ trình khiếu nại lên tòa án nếu không thể đạt được kết quả thỏa đáng.
T.LÊ (Tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)