Kết thúc các cuộc thảo luận trong tuần này ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.
Tuyên bố chung được các bộ trưởng ngoại giao, tài chính, môi trường và khí hậu cùng các thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 đưa ra ngày 25/10, trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện các cam kết đã đề ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra hồi năm ngoái ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE).
Theo tuyên bố, các nước G20 sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “trong thập kỷ quan trọng này” để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050.
Quá trình chuyển đổi này sẽ được thực hiện một cách công bằng, có trật tự và đảm bảo không để lại bất kỳ quốc gia hay cộng đồng nào phía sau.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng bày tỏ hoan nghênh đối với kết quả đầy tham vọng đã đạt được tại COP28. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo tài chính toàn cầu tụ hội tại Washington để tham gia Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Hồi tháng 12 năm ngoái, các nước tham dự COP28 đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Nhiên liệu hóa thạch hiện đang tạo ra khoảng 75% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Các nhóm phi chính phủ đang hối thúc Nhóm G20 đẩy nhanh các biện pháp nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN/Vietnam+