Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty đã nhất trí với những người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Brazil Mauro Vieira trong hai cuộc gặp riêng rẽ diễn ra cùng ngày 23/10 về sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt hành động leo thang của Israel ở Dải Gaza và Libăng.
Các cuộc gặp trên diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao BRICS tại TP Kazan, Nga. Tại cuộc gặp, ông Abdelatty và ông Lavrov đã cảnh báo về những nguy cơ của tình trạng leo thang đang diễn ra có thể kéo toàn bộ Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực.
Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ai Cập, hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi một giải pháp chính trị đảm bảo ổn định khu vực bằng cách thành lập nhà nước Palestine như một giải pháp dứt điểm cho cuộc xung đột.
Bộ trưởng Abdelatty đã nhấn mạnh những nỗ lực của Ai Cập nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, trả tự do cho các con tin bị bắt giữ và tù nhân, đảm bảo tiếp cận viện trợ nhân đạo và nỗ lực ngăn chặn tình trạng leo thang hiện tại.
Trong cuộc gặp giữa ông Abdelatty với người đồng cấp Brazil Vieira, cả hai bên đều cho rằng hành động quân sự của Israel đe dọa toàn bộ khu vực, khiến Trung Đông có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp viện trợ nhân đạo và cứu trợ người dân ở các khu vực xảy ra giao tranh.
Ai Cập, cùng với Mỹ và Qatar, đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine để đạt được lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài một năm qua của Israel ở Gaza. Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi giảm leo thang xung đột để ngăn chặn khu vực này rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Về quan hệ giữa Ai Cập và Nga, ông Abdelatty và ông Lavrov đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của hợp tác song phương ở mọi cấp độ, bao gồm các dự án phát triển chung đang được triển khai.
Ngoài ra, một số vấn đề cùng quan tâm và các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế cũng được thảo luận trong khuôn khổ của BRICS.
Còn về quan hệ song phương giữa Ai Cập và Brazil, ông Abdelatty và ông Vieira đã thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các khuôn khổ song phương và BRICS, bao gồm cả việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong giao dịch thương mại.
Hai bộ trưởng nêu bật việc tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực từ cả hai nước để tăng cường tiếp cận các thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt là ở châu Phi. Ai Cập có lợi thế cạnh tranh đáng kể ở châu Phi, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) được ký kết.
Trong khi đó, cùng ngày 23/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Riyadh để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út và Israel, trước thềm cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Ả-rập vào ngày 25/10 tại London để thảo luận về các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong chuyến thăm Riyadh, ông Blinken đã được người đồng cấp Ả-rập Xê-út, Faisal bin Farhan đón tiếp và tiến hành hội đàm, trước khi gặp Thái tử Mohammed bin Salman để thảo luận về quan hệ song phương và tình hình khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken và Thái tử Ả-rập Xê-út đã thảo luận về “sự cần thiết phải chấm dứt chiến tranh ở Gaza”, cũng như những nỗ lực nhằm đạt được “sự ổn định lâu dài trong khu vực, bao gồm cả việc thông qua sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các quốc gia trong khu vực”.
Trước khi khởi hành đến Riyadh, ông Blinken đã kêu gọi Israel nắm bắt cơ hội để bình thường hóa quan hệ với Ả-rập Xê-út, giữa lúc Israel đang triển khai các hoạt động quân sự chống lại phong trào Hamas ở Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Libăng.
Ông Blinken tuyên bố bất chấp những gì đang xảy ra, “đây vẫn là một cơ hội để tiến tới theo một hướng hoàn toàn khác, mang lại lộ trình lâu dài cho an ninh của Israel và vị thế của nước này trong khu vực”. Ông nói thêm: “Ả-rập Xê-út sẽ là trung tâm của vấn đề này, bao gồm khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel”.
Phát biểu tại Tel Aviv, ông Blinken nói rằng bây giờ là lúc chấm dứt chiến tranh ở Gaza, sau khi Israel đã đạt được “hầu hết các mục tiêu chiến lược” tại đây. Ông cũng kêu gọi Israel chọn con đường hội nhập và hợp tác “với các đối tác Ả-rập”.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông Israel dẫn báo cáo do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố ngày 23/10 ước tính cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Libăng sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Libăng sụt giảm đến 9%.
Theo dự báo của UNDP, cuộc xung đột Israel-Hezbollah sẽ kéo dài đến cuối năm 2024, khiến nhu cầu tài chính của Chính phủ Libăng tăng 30%.
Ngay cả khi chiến tranh kết thúc trong năm nay, hậu quả đối với quốc gia Trung Đông vẫn sẽ kéo dài suốt nhiều năm, khiến GDP có nguy cơ suy giảm lần lượt 2,28% và 2,43% trong 2 năm 2025 và 2026.
Đánh giá của UNDP về tác động từ cuộc xung đột đối với GDP của Libăng được công bố 1 ngày trước hội nghị do Pháp tổ chức nhằm góp phần huy động sự ủng hộ quốc tế dành cho Libăng.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra nhận định rằng các cải cách kinh tế của Libăng không đủ để giúp quốc gia Trung Đông này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc xung đột Israel - Hezbollah đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang kiệt quệ của nước này, đẩy Libăng rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kép, khiến quốc gia Trung Đông chìm sâu hơn trong khủng hoảng.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)