Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Đông - Bắc Phi, bà Roberta Gatti nhận định rằng Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng của Palestine đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, sau khi WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Đông - Bắc Phi vào tuần trước.
Sau một năm kể từ khi chiến sự ở Gaza nổ ra, nền kinh tế của dải đất này đã bị tàn phá nặng nề. Theo WB, nền kinh tế của Gaza đã giảm 86% trong quý 2/2024.
Hồi đầu năm nay, WB và LHQ đánh giá tổng thiệt hại về các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Gaza ước vào khoảng 18,5 tỉ USD. WB cho hay nền kinh tế của Bờ Tây cũng đã giảm 23% trong quý 2 vừa qua, do các hạn chế di chuyển, sự suy giảm trong tiêu dùng cũng như khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Theo định chế tài chính đa phương toàn cầu này, Chính quyền Palestine thiếu hụt tài chính lên tới 1,86 tỉ USD trong năm 2024.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ngày 21/10 dẫn đánh giá của bà Gatti cho rằng "khủng hoảng kinh tế ở Gaza và Bờ Tây là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay".
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Trung Đông - Bắc Phi được công bố mới đây, WB cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ để lại những hậu quả lâu dài ở Gaza. Tình trạng mất an ninh lương thực ở Gaza đã trở nên rất nghiêm trọng, với 15% trong số 2 triệu dân Gaza đang phải đối mặt với nạn đói.
Ngoài ra, 90% trẻ em dưới hai tuổi và 95% phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cùng cực. WB cũng cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đã tạo ra một "bóng đen rộng lớn" bao trùm lên triển vọng kinh tế của khu vực.
Trong diễn biến khác, ngày 21/10, người đứng đầu Cơ quan LHQ cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cho biết chính quyền Israel vẫn đang ngăn cản các phái bộ nhân đạo tiếp cận các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza với các nguồn cung cấp quan trọng bao gồm thuốc men và thực phẩm cho những người đang bị bao vây.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Lazzarini nêu rõ các bệnh viện đã bị tấn công và mất điện trong khi những người bị thương không được chăm sóc. Theo nhiều báo cáo, những người cố gắng di tản cũng đang trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công. Thi thể của họ bị bỏ lại trên đường phố. Các phái bộ giải cứu người dân khỏi đống đổ nát không thể tiếp cận những khu vực này.
Người phát ngôn Lazzarini nhấn mạnh các cơ quan nhân đạo, trong đó có UNRWA phải được tiếp cận phía Bắc Gaza. Theo ông, viện trợ phải đến được với tất cả mọi người cần trong vùng đất Palestine, trong đó có cả trẻ em. Ông cũng cho rằng một lệnh ngừng bắn là khởi đầu cho việc chấm dứt “cơn ác mộng bất tận này”. Hiện phía Israel chưa phản hồi sau tuyên bố trên của UNRWA.
Liên quan tình hình viện trợ nhân đạo, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/10, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đã viện trợ khẩn cấp 10 triệu USD cho Libăng để góp phần cải thiện tình hình khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này.
Khoản viện trợ này nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho các lĩnh vực thiết yếu tại Libăng thông qua các tổ chức quốc tế. Cụ thể, 5 triệu USD được chuyển thông qua Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) để hỗ trợ nơi ở tạm thời và cung ứng hàng hóa thiết yếu; 2 triệu USD được chuyển thông qua Chương trình lương thực thế giới của LHQ (WFP) để hỗ trợ thực phẩm, 1 triệu USD được chuyển qua Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) để hỗ trợ nước và vệ sinh; 1 triệu USD được chuyển qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) để điều phối và quản lý khu vực sơ tán; 1 triệu USD được chuyển qua Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và y tế.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên kiềm chế tối đa và nghiêm túc hướng tới một giải pháp ngoại giao để tránh leo thang thêm căng thẳng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du thứ 11 của ông tới Trung Đông kể từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza nổ ra vào tháng 10/2023, giữa lúc quân đội Israel đang đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại lực lượng Hezbollah ở Libăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ và Trung Đông, chuyến công du của ông Blinken tới Israel và một số quốc gia Ả-rập kéo dài 1 tuần. Các quan chức Mỹ cho biết các điểm dừng khác của ông Blinken có thể gồm Jordan, Ả-rập Xê-út, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
Theo lịch trình, tại điểm dừng chân đầu tiên ở Israel vào ngày 22/10, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Isaac Herzog.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông Blinken dự kiến sẽ thảo luận với các lãnh đạo của Israel về tầm quan trọng của việc chấm dứt xung đột ở Gaza, đảm bảo phóng thích tất cả con tin và giảm thiểu đau thương cho người dân Palestine.
Ông Blinken cũng sẽ thảo luận về kế hoạch hậu xung đột và nhấn mạnh sự cần thiết phải vạch ra một con đường mới cho phép người Palestine xây dựng lại cuộc sống của họ. Bên cạnh cuộc xung đột Gaza, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng sẽ trao đổi ý kiến về việc cần có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Libăng, trong đó cần thực thi đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc phối hợp chặt với các đối tác ở khu vực để làm giảm leo thang căng thẳng và mang lại sự ổn định lâu dài cho Trung Đông.
Chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Blinken đã được lên hoạch sau khi thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel. Giới quan sát cho rằng chuyến công du mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ có thể mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán mới về đề xuất ngừng bắn vốn bị trì hoãn nhiều tháng qua.
Trong diễn biến liên quan, trong chuyến thăm Beirut ngày 21/10, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) ông Ahmed Aboul-Gheit đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Libăng và yêu cầu Israel phải rút quân đội khỏi miền Nam Libăng.
Phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Libăng Nabih Berri và Thủ tướng lâm thời Najib Mikati, ông Aboul-Gheit tuyên bố ủng hộ người dân, nhà nước và Chính phủ Libăng, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, rút quân đội Israel khỏi các vùng lãnh thổ miền Nam Libăng, không can thiệp vào Libăng và quay trở lại thực thi ngay Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông cho biết những người dân Libăng bị di dời cần phải được phép trở về nhà của mình ở miền Nam. Theo ông Aboul-Gheit, điều này “cần phải có được sự đảm bảo từ phía Israel” để tránh các cuộc đối đầu hoặc tấn công nhằm vào người dân Libăng.
Người đứng đầu AL kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm nhận trách nhiệm của mình nhằm chấm dứt xung đột và cung cấp hỗ trợ nhân đạo rộng rãi, mạnh mẽ và ngay lập tức. Ông nhấn mạnh: “Libăng không thể bị bỏ lại trong thách thức này”.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)