Kênh tin tức Al-Qahera News dẫn các nguồn thạo tin cho biết các phái đoàn của phong trào Fatah và Hamas đã gặp nhau tại Cairo ngày 9/10 để thảo luận về sự thống nhất của Palestine và cơ chế hoạt động để quản lý các cửa khẩu biên giới, trong bối cảnh những căng thẳng khu vực ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, cuộc họp giữa Fatah và Hamas nhằm mục đích phác thảo cơ chế làm việc của một ủy ban quản lý các cửa khẩu biên giới và giải quyết các vấn đề liên quan đến y tế, cứu trợ, nơi ở, phát triển xã hội và giáo dục.
Ai Cập đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất của Palestine, đồng thời tuyên bố bất kỳ giải pháp nào đối với sự nghiệp của người Palestine đều phải dựa trên sự thống nhất các vùng lãnh thổ của Palestine và tuân thủ các nghị quyết quốc tế liên quan.
Ngoài ra, Cairo đang tích cực tham gia với nhiều bên khác nhau để chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza, theo đuổi lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel, cũng như ngăn chặn các hành động bất hợp pháp của Israel ở Bờ Tây.
Cuộc họp ở Cairo ngày 9/10 đã chứng kiến các cuộc thảo luận đầu tiên sau nhiều tháng kể từ cuộc đàm phán ở Bắc Kinh vào tháng 7 vừa qua, nơi cả Fatah và Hamas đều nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết.
Phái đoàn Hamas do ông Khalil Al-Hayya dẫn đầu đã đến Cairo ngày 8/10 để tham gia vào các cuộc đàm phán với phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Kênh Al-Sharq News dẫn các nguồn tin cho hay Fatah đã đồng ý với đề xuất của Ai Cập về việc thành lập một ủy ban giám sát Dải Gaza, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động quan trọng như cửa khẩu Rafah, cung cấp viện trợ nhân đạo, giải quyết các vấn đề dân sự hàng ngày và tạo điều kiện cho các nỗ lực tái thiết.
Cuộc họp ở Cairo sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 10/10. Theo kênh Al-Sharq, phái đoàn Hamas dự kiến sẽ đề xuất thành lập một chính phủ kỹ trị trong cuộc họp này để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết thay vì thành lập ủy ban.
Một quan chức của Hamas cho biết: "Chúng tôi muốn thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập, được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống, để thúc đẩy việc thống nhất các vùng lãnh thổ và hệ thống chính trị của người Palestine, đồng thời bác bỏ nỗ lực của Israel nhằm tách Dải Gaza khỏi Bờ Tây".
Tuy nhiên, kênh Al-Sharq trích dẫn các nguồn tin khác cho hay Hamas sẽ không phản đối việc thành lập ủy ban nếu Ai Cập và Fatah nhất quyết yêu cầu điều đó, vì họ sẵn sàng ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của người Palestine và Arab nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.
Trong khi đó, trang tin Sky News Arabia cho hay Fatah và Hamas đã đồng ý thành lập một ủy ban quản lý Dải Gaza, và cuộc họp ở Cairo sẽ tập trung vào thành phần và hoạt động của ủy ban này.
Vấn đề quản lý Dải Gaza thời hậu chiến vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, khi cả Fatah và Hamas đều khẳng định đây là vấn đề nội bộ của người Palestine và bác bỏ mọi điều kiện của phía Israel.
Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò nào của Hamas ở Gaza thời hậu chiến, đồng thời bày tỏ sự không tin tưởng vào chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas trong việc xử lý tình hình một cách hiệu quả.
Trong diễn biến khác, Nhà Trắng ngày 9/10 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc hội đàm “hiệu quả” với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về biện pháp đáp trả của Tel Aviv đối với vụ tập kích tên lửa hồi tuần trước của Iran, đồng thời nhất trí giữ “liên lạc chặt chẽ” trong thời gian tới.
Thông báo của Nhà Trắng có đoạn: “Sáng nay (ngày 9/10, giờ địa phương), Tổng thống Biden đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu của Israel. Phó Tổng thống Harris cũng tham gia cuộc điệm đàm”.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ đã hối thúc Israel “cần phải giảm đến mức tối đa mối nguy hại đối với dân thường, đặc biệt là ở những khu vực tập trung đông dân cư tại Beirut”, mặc dù nhắc lại lập trường ủng hộ Tel Aviv tấn công phong trào Hezbollah ở Libăng.
Về vấn đề Gaza, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “yêu cầu cấp thiết phải nối lại biện pháp ngoại giao nhằm giải thoát các con tin bị Hamas giam giữ”. Bên cạnh đó, hai bên còn trao đổi về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và nhiệm vụ khẩn cấp phải khôi phục các hoạt động tiếp cận với khu vực phía Bắc vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết cuộc điện đàm khoảng 30 phút đã diễn ra trong bầu không khí “thẳng thắn”, “trung thực” và “hiệu quả”. Bà Jean-Pierre xác nhận Mỹ và Israel đã tổ chức “nhiều cuộc thảo luận kể từ tuần trước, sau vụ tấn công của Iran”, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Israel về cách thức mà họ sẽ đáp trả".
Về phần mình, văn phòng của Thủ tướng Netanyahu đã xác nhận thông tin về cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã có “cuộc điện đàm tích cực” và Tel Aviv “đánh giá cao sự ủng hộ” của Washington.
Cùng ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Israel tránh thực hiện các hành động quân sự ở Libăng tương tự những gì đã diễn ra ở Dải Gaza, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá của Palestine. Phát biểu trước báo giới, ông Miller quả quyết: “Chúng ta không thể và không được phép để tình hình ở Libăng trở thành bất cứ điều gì tương tự tình hình ở Gaza. Tất nhiên, diễn biến đó sẽ là không thể chấp nhận được”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Israel “không nên thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào ở Libăng giống như những gì ở Gaza và để lại hậu quả tương tự Gaza”. Ngoài ra, ông Miller cũng bày tỏ “vô cùng quan ngại” về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời khẳng định đây là chủ đề thảo luận “rất cấp bách” giữa Washington và Tel Aviv.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói rõ với Chính phủ Israel rằng họ có nghĩa vụ, theo quy định của luật nhân đạo quốc tế, phải tạo điều kiện cho thực phẩm, nước uống và các hỗ trợ nhân đạo cần thiết khác được đưa đến mọi nơi ở Gaza. Chúng tôi hoàn toàn mong đợi họ tuân thủ những nghĩa vụ đó”.
Trong một động thái khác, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cùng ngày cho biết Mỹ đang nỗ lực đưa các công dân nước này rời khỏi Libăng trước nguy cơ xảy ra chiến dịch tấn công tiềm tàng của Israel.
Theo bà Jean-Pierre, Đại sứ quán Mỹ tại Beirut vẫn hoạt động và có thể giúp đỡ những người Mỹ cần hộ chiếu khẩn cấp hoặc các loại giấy tờ khác. Bên cạnh đó, Mỹ “sẽ tiếp tục triển khai các máy bay, miễn là sân bay Beirut vẫn mở cửa”.
Cũng trong ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Canada tuyên bố nước này sẽ cung cấp 15 triệu CAD (khoảng 11 triệu USD) viện trợ nhân đạo mới để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Libăng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada dẫn lời Ngoại trưởng Melanie Joly bày tỏ “vô cùng lo ngại trước chiều hướng leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng ở Libăng”. Bà Joly khẳng định Ottawa đang nỗ lực “để đảm bảo Canada sẽ có mặt tại đó để mang lại sự hỗ trợ hết sức cần thiết cho nhân dân Libăng".
Thông báo trên đã nâng cam kết hỗ trợ của Canada dành cho người dân Libăng lên 25 triệu CAD (khoảng 18,25 triệu USD).
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)