Sau một năm xung đột tại Dải Gaza, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, cũng như sự thiếu vắng trách nhiệm giải trình.
Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của UNHCR, nhấn mạnh tình trạng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong việc bảo vệ thường dân. Bà chỉ ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc vi phạm các nguyên tắc phân biệt đối xử, tính cân xứng và ưu tiên bảo vệ dân thường.
UNHCR liệt kê các hành vi bạo lực như tấn công trường học, tổ chức nhân đạo, bắt giữ con tin, cưỡng ép di dời và phát hiện mộ tập thể. Bệnh viện và xe cứu thương cũng trở thành mục tiêu bị tấn công, trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo liên tục bị ngăn chặn, làm gia tăng đau khổ cho người dân ở Dải Gaza.
Bà Shamdasani cảnh báo việc miễn trừ trách nhiệm lan tràn chỉ làm "gia tăng xung đột" ở Trung Đông và rằng cần có các biện pháp trừng phạt để chặn đứng những vi phạm như vậy, qua đó sẽ ngăn vòng xoáy trả thù, bạo lực và bất công ngày càng gia tăng trong khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/10, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào mạng lưới tài chính quốc tế của phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza để cắt đứt nguồn tài trợ từ bên ngoài cho lực lượng này.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với ba cá nhân và một tổ chức được cho là đã tài trợ cho Hamas. Có nguồn tin cho biết ngân hàng Al-Intaj ở Gaza nằm trong danh sách bị Mỹ kiểm soát tài chính, trong khi ba cá nhân bị trừng phạt gồm một thành viên Hamas ở Italy và hai đại diện cấp cao của Hamas tại Đức và Áo.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog nhân một năm xảy ra cuộc xung đột Hamas - Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ nỗi buồn sâu sắc về sự mất mát và những đau khổ mà người dân ở Gaza phải liên tục gánh chịu, đồng thời nhấn mạnh cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi đưa được tất cả các con tin còn lại về nhà an toàn.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và giải cứu các con tin, mở đường cho hòa bình lâu dài tại khu vực. Theo thông báo của Hamas, lực lượng này vẫn đang giữ 97 trong tổng số 251 người bị bắt giữ làm con tin trong cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, trong đó có thi thể của 34 người mà quân đội Israel xác nhận đã tử vong.
Phát ngôn viên của Hamas, ông Abu Obeida, cảnh báo sức khỏe và tâm lý của các con tin đang ngày càng tệ hơn.
Trong diễn biến khác, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 7/10 bày tỏ quan ngại trước tình hình nhân đạo ở Libăng tiếp tục xấu đi nhanh chóng do xung đột vẫn tiếp tục leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Libăng.
Theo OCHA, kể từ khi bùng nổ giao tranh giữa Hezbollah và Israel từ ngày 8/10/2023 đến 4/10/2024, đã có 36 cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế tại Libăng, buộc ít nhất 96 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu phải ngừng hoạt động.
Các cuộc tấn công này cũng khiến 77 nhân viên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiệt mạng. Nhiều cơ sở hạ tầng dân sinh cũng bị hư hại, trong đó có ít nhất 25 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 300.000 người.
Trong khi đó, quân đội Israel liên tiếp đưa ra thông báo sơ tán người dân ở phía Nam và vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut. Số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy hơn 540.000 người đã buộc phải di tản kể từ khi giao tranh xảy ra.
Tại buổi họp báo ngày 7/10, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - cho biết bà Jeannine Hennis-Plasschaert, điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Libăng, vẫn đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan. Ông Stephane Dujarric kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tạo điều kiện triển khai các biện pháp ngoại giao.
Trong khi đó, tình hình trên thực địa tại khu vực biên giới giữa Israel và Libăng vẫn đang nóng lên. Hezbollah đã phóng hàng loạt tên lửa vào miền Trung Israel trong đêm 7/10 theo giờ địa phương.
Thông báo của quân đội Israel cho biết đã có 5 quả tên lửa được phóng đi từ một vị trí ở Libăng, cách biên giới với Israel khoảng 100km. Còi báo động không kích đã vang lên quanh Tel Aviv khi một số tên lửa rơi xuống khu vực trống không có dân cư, trong khi một số khác đã bị đánh chặn.
Về phía Hezbollah, lực lượng này thông báo các tên lửa đã nhắm trúng căn cứ Glilot của đơn vị tình báo 8200 thuộc quân đội Israel ở ngoại ô Tel Aviv. Thông báo cũng nêu rõ Hezbollah luôn sẵn sàng bảo vệ Libăng và người dân nước này.
Liên quan đến chiến dịch tấn công trên bộ có giới hạn vào Libăng được thông báo hôm 1/10, Israel cho biết đang tiếp tục thực hiện những bước đi mới cho chiến dịch này. Quân đội Israel vừa đưa thêm 4 thị trấn ở phía Bắc, gần biên giới với Libăng, thành "khu vực quân sự đóng" và cấm mọi hoạt động đi vào các thị trấn này từ 22h tối 7/10 theo giờ địa phương. Bốn thị trấn này bao gồm Rosh HaNikra, Shlomi, Hanita và Arab al-Aramshe.
Thông báo được đưa ra sau khi người phát ngôn của quân đội Israel, ông Avichai Adraee, yêu cầu người dân ở Libăng sơ tán khỏi khu vực ven biển giữa sông Awali ở phía Bắc thành phố Sidon và thị trấn Rosh HaNikra của Israel.
Trước tình hình an ninh ngày càng tồi tệ hơn kể từ khi Israel mở đợt tấn công dữ dội vào Libăng hôm 23/9, các nước tiếp tục đẩy nhanh sơ tán công dân khỏi Libăng.
Ngày 7/10, Jordan đưa thêm 44 công dân rời khỏi Libăng bằng chuyến bay quân sự. Trên mạng xã hội X, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi kêu gọi ngừng bắn ngay ở Libăng cũng như ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Trong khi đó, hãng hàng không Air France và hãng hàng không giá rẻ Transavia, công ty con thuộc Air France, cho biết sẽ đình chỉ các chuyến bay đến Tel-Aviv đến ngày 15/10 và Beirut đến ngày 26/10 do quan ngại về an ninh.
Theo thông báo của tập đoàn Air France-KLM, chủ sở hữu của hai hãng hàng không trên, việc nối lại hoạt động bay sẽ tùy thuộc vào đánh giá tình hình thực tế.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 7/10, Mỹ kêu gọi Israel không tấn công sân bay quốc tế Beirut và các tuyến đường dẫn đến sân bay này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho sân bay Beirut và các tuyến đường tiếp cận luôn mở để đảm bảo công dân Mỹ và các nước khác có thể rời khỏi Libăng an toàn.
Cũng trong ngày 7/10, lực lượng Houthi ở Yemen cho biết đã tiến hành 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái nhằm vào miền Trung và miền Nam của Israel.
Kênh truyền hình al-Masirah TV của Houthi dẫn thông báo của lực lượng này cho biết cuộc tấn công thứ nhất sử dụng hai tên lửa nhắm vào hai mục tiêu quân sự của Israel ở khu vực cảng Jaffa thuộc miền Trung.
Cuộc tấn công thứ hai được tiến hành bằng các thiết bị bay không người lái để thả bom vào các mục tiêu ở khu vực cảng Jaffa và cảng Eilat ở miền Nam Israel.
Trong một thông báo, ông Yahya Sarea - người phát ngôn của Houthi - nêu rõ các hoạt động quân sự đã đạt được mục tiêu và lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công nhằm vào tàu thuyền cùng các thành phố của Israel cho đến khi xung đột ở Gaza và Libăng chấm dứt.
Cộng đồng quốc tế đang đặc biệt quan ngại trước vòng xoáy xung đột gia tăng nhanh chóng ở Trung Đông, khi cuộc chiến giờ đây không chỉ xảy ra giữa Israel với phong trào Hamas ở Dải Gaza, mà còn với lực lượng Hezbollah ở Libăng, Houthi ở Yemen và cả với Iran, một "đối thủ" đáng gờm của Israel lâu nay trong khu vực.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)