* Căng thẳng tại Trung Đông: Thêm nhiều nước sơ tán công dân khỏi Libăng
Ngày 5/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết 88 thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), bao gồm Pháp và Canada, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức và lâu dài" ở Libăng.
Phát biểu với báo giới khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, ông Macron nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, đồng thời khẳng định cam kết nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực".
Tổng thống Macron cũng cho biết Pháp sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế ngay trong tháng 10 này để kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho Libăng và hỗ trợ lực lượng vũ trang của nước này tăng cường an ninh ở khu vực phía Nam đất nước.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter phát sóng ngày 5/10, Tổng thống Macron nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là tránh leo thang căng thẳng ở Libăng để không có một "Gaza thứ hai".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Pháp cũng bày tỏ "lấy làm tiếc" khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không nghe theo lời kêu gọi ngừng bắn từ Paris và Washington.
Liên quan công tác hỗ trợ quốc tế cho Libăng, bà Hanan Balkhy - người đứng đầu khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ngày 4/10 thông báo một máy bay chở 30 tấn vật tư y tế đã hạ cánh xuống sân bay Beirut.
Đây là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên kể từ khi giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah bắt đầu leo thang từ ngày 23/9.
* Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/10, Úc bắt đầu chiến dịch quy mô lớn nhằm sơ tán công dân khỏi Libăng. Khoảng 229 người đã đến Cộng hòa Cyprus - đảo quốc nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, cách Beirut 40 phút di chuyển bằng máy bay - trên chuyến bay thương mại do Úc thuê riêng.
Giới chức Úc và Cộng hòa Cyprus cho biết có thể sẽ có thêm nhiều chuyến bay sơ tán khác, tùy theo nhu cầu thực tế.
Không chỉ Úc, nhiều quốc gia khác cũng đã sử dụng các trung tâm trung chuyển gần Libăng như Cộng hòa Cyprus để hỗ trợ sơ tán công dân rời khỏi vùng chiến sự.
Trong tuần qua, Cyprus đã hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Slovakia. Anh và Mỹ cũng đã điều động nhân sự đến Cộng hòa Cyprus để sẵn sàng hỗ trợ sơ tán trong trường hợp cần thiết.
Trong đợt leo thang xung đột nghiêm trọng giữa Israel và Hezbollah năm 2006, gần 60.000 người đã được sơ tán khỏi Libăng thông qua các trung tâm vận chuyển của Cộng hòa Cyprus.
Ngoài ra, công dân của nhiều nước châu Âu cũng được sơ tán theo các ngả khác để rời khỏi Libăng.
Chuyến bay thứ hai của Hà Lan đã hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Eindhoven, phía Đông Nam nước này, vào tối 5/10 theo giờ địa phương, đưa 170 người từ Libăng về Hà Lan an toàn. Trong số này có hơn 100 người là công dân Hà Lan, số còn lại là công dân Bỉ, Pháp, Áo và Tây Ban Nha.
Trong chuyến bay đầu tiên tối 4/10, Hà Lan đưa hơn 100 công dân trở về nước. Truyền thông nước này cho biết hiện chưa có lịch trình cho chuyến bay tiếp theo.
Trong khi đó, tại Libăng, hãng thông tấn quốc gia NNA đưa tin trong đêm mùng 5 và rạng sáng 6/10 theo giờ địa phương, Israel đã tiến hành 5 đợt oanh kích vào miền Nam thủ đô Beirut và vùng ngoại ô, trong đó có 4 đợt quy mô "rất dữ dội".
Truyền thông phương Tây cũng đưa tin về các vụ nổ và khói bốc lên từ các địa điểm bị tấn công. Trước đó, quân đội Israel đã đưa ra thông báo mới yêu cầu người dân sơ tán ngay lập tức khỏi các khu vực trên, rời khỏi những tòa nhà được nêu trong thông báo và những tòa nhà liền kề để di chuyển đến những nơi tránh trú cách đó ít nhất 500m.
Thông báo trên ứng dụng Telegram, quân đội Israel cho rằng các vị trí mục tiêu trong hoạt động quân sự này thuộc về lực lượng Hezbollah.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5/10 thông báo quân đội nước này đã phá hủy số lượng lớn tên lửa và rocket của Hezbollah, đồng thời đang phá hệ thống đường hầm của Hezbollah ở gần biên giới.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnm+)