Ngày 3/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn IMF, bà Julie Kozack, nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có nguy cơ gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”.
.
Theo người phát ngôn Kozack, xung đột tác động đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, bao gồm cả dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu tránh nguy cơ lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào tàu thuyền ở biển Đỏ.
Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, bà lưu ý các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza, nơi người dân đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và thiếu hụt viện trợ.
Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng.
Israel chứng kiến GDP giảm khoảng 20% trong quý 4/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay.
Bà Kozack cho biết IMF đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Libăng. Tại Libăng, xung đột leo thang gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh. Xung đột gây thương vong nghiêm trọng và làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này.
Năm 2022, Libăng đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên với IMF về một chương trình vay tiềm năng, song bà Kozack cho rằng tiến độ về các cải cách cần thiết của nước vẫn chưa đủ để tiến xa hơn.
Hiện IMF đang hỗ trợ Libăng thông qua các chương trình phát triển năng lực và các lĩnh vực tiềm năng khác.
IMF dự kiến cập nhật các dự báo kinh tế cho tất cả các quốc gia và nền kinh tế toàn cầu vào cuối tháng 10, khi tổ chức này cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức các cuộc họp mùa Thu tại Washington (Mỹ).
* Trước tình hình leo thang căng thẳng tại Trung Đông nói chung và Libăng nói riêng, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang chuyển hướng các quỹ ban đầu dành cho các chương trình phát triển tại Libăng sang viện trợ khẩn cấp cho những người dân phải di dời do xung đột.
Tuyên bố ngày 4/10 của tổ chức này nêu rõ: "WB đang kích hoạt các kế hoạch ứng phó khẩn cấp để có thể tái sử dụng các nguồn lực trong danh mục đầu tư nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân Libăng".
WB hiện có 1,5 tỉ USD để tài trợ cho các chương trình tại quốc gia Trung Đông này. Số tiền sẽ được sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm nghìn người phải di dời, có thể được triển khai thông qua một nền tảng kỹ thuật số mà WB đã giúp thiết lập trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 4/10, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực ngày càng tăng của cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah đối với dân thường tại Libăng.
Giám đốc chi nhánh Libăng của Save the Children, bà Jennifer Moorehead cho biết hơn 1,2 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số Libăng) đã rời bỏ nhà cửa và đang di chuyển, gây ra một "cuộc khủng hoảng ở mức độ đáng báo động".
Đại diện tổ chức Amnesty International, cơ quan viện trợ Oxfam, tổ chức từ thiện y tế Medecins du Mondem... nhận định tình hình là "thảm khốc".
Nhiều người phải ngủ trên đường phố, khi các nơi trú ẩn bị tấn công và các bệnh viện quá tải. Hiện có khoảng 867 điểm tạm trú đã mở cửa cho những người phải di dời, bao gồm cả ở các trường học và trường đại học, và 643 trong số đó đã hết sức chứa.
Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các cuộc tấn công để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch của Refugees International, ông Jeremy Konyndyk nhấn mạnh các cuộc tấn công quân sự gây tổn hại cho người dân Libăng, những người tị nạn Syria và Palestine tại Libăng.
Ông kêu gọi các nhà tài trợ toàn cầu mở rộng quy mô phản ứng nhân đạo của mình, xem xét khả năng mở một hành lang hàng hải để cho phép hàng viện trợ dễ dàng tiếp cận Libăng như đã từng làm trong cuộc chiến Libăng - Israel năm 2006.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)