Ngày 23/9, Pháp đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp sau vụ Israel tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Libăng.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 79 đang diễn ra tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nêu rõ: "Tôi đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về Libăng trong tuần này" và kêu gọi tất cả các bên 'tránh một cuộc xung đột khu vực lớn có thể gây hậu quả tàn khốc cho tất cả mọi người,' đặc biệt là dân thường".
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo tình hình xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng vũ trang Hezbollah đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Phát biểu bên lề Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ, ông Borrell nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở rất gần một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công quân sự, với thiệt hại ngày càng lớn và số lượng nạn nhân tăng lên".
Trong khi đó, Lực lượng lâm thời của LHQ tại Libăng (UNIFIL) cảnh báo việc leo thang căng thẳng ở biên giới Israel-Libăng có nguy cơ gây ra hậu quả “thảm khốc” trong khu vực.
Tuyên bố của UNIFIL nhấn mạnh bất kỳ sự leo thang nào của tình hình nguy hiểm hiện nay đều có thể gây ra hậu quả sâu rộng và tàn khốc, không chỉ đối với những người sống ở khu vực biên giới giữa Libăng với Israel, mà còn đối với toàn bộ khu vực.
UNIFIL cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự an toàn của thường dân ở miền Nam Libăng và cảnh báo, các cuộc tấn công vào thường dân không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn có thể cấu thành tội ác chiến tranh.
Cũng trong ngày 23/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này đang nỗ lực xoa dịu tình hình tại Libăng sau các cuộc không kích của Israel. Phát biểu tại cuộc hội đàm với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại Nhà Trắng, ông Biden cho biết đã được cập nhật về những diễn biến mới nhất ở Israel và Libăng, và đại diện chính quyền Mỹ đang liên lạc thường xuyên với các đối tác trong nỗ lực giảm căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đang điều động thêm một "số lượng nhỏ" binh sĩ tới Trung Đông để đối phó với tình hình căng thẳng gia tăng trong khu vực, song không tiết lộ thêm chi tiết.
Mỹ hiện có hàng nghìn binh sĩ đồn trú tại khu vực Trung Đông, cùng với tàu chiến, máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không được triển khai để bảo vệ cả lực lượng của nước này và Israel.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Israel mở đợt tấn công mới vào lực lượng Hezbollah tại Libăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông Bắc Phi, cuộc xung đột giữa lực lượng Hezbollah và Israel đã tiếp tục leo thang nguy hiểm sau hơn 11 tháng, với cường độ và quy mô các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau ngày càng lớn.
Quân đội Israel cho biết các cuộc không kích của họ ngày 23/9 đã nhắm trúng hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah ở Libăng trong vòng 24 giờ.
Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Libăng cho hay các cuộc không kích của Israel vào lãnh thổ nước này đã khiến ít nhất 492 người thiệt mạng và làm bị thương ít nhất 1.645 người khác. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất kể từ cuộc chiến Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
Trong bối cảnh những diễn biến mới nhất tại Trung Đông có nguy cơ đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện, các quốc gia Ả-rập và Hồi giáo ngày 23/9 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có ảnh hưởng, và LHQ can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn xung đột leo thang thành một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, chấm dứt leo thang ngay lập tức và thực hiện công bằng Nghị quyết số 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như tạo cơ hội cho các giải pháp ngoại giao, vì leo thang quân sự sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.
Tuyên bố phản đối mọi hành vi vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Libăng và lên án sự leo thang nguy hiểm của Israel. Tuyên bố nêu rõ Ai Cập trước đây đã cảnh báo về những nguy cơ từ các hành động của Israel ở Gaza và tình trạng leo thang xung đột có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Cùng ngày, Ai Cập và Libăng ra tuyên bố chung kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra nghị quyết mang tính ràng buộc yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức các hành động xâm lược của Israel vào các vùng lãnh thổ của Palestine và Libăng.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Libăng Abdallah Bou Habib bên lề phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ).
Ông Abdelatty và ông Bou Habib đã thảo luận về những diễn biến nghiêm trọng ở Trung Đông, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Israel đối với các vùng lãnh thổ của Libăng.
Hai ngoại trưởng cũng kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng hành động quyết đoán để ngăn chặn xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực. Ông Abdelatty cảnh báo bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của Libăng đều gây nguy hiểm cho sự ổn định của toàn bộ khu vực.
Các ngoại trưởng của Ai Cập và Libăng nhấn mạnh giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Trung Đông hiện nay là đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, chấm dứt các cuộc tấn công vào Gaza và Libăng, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa Israel và Libăng.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani ngày 23/9 kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Ả-rập bên lề Đại hội đồng LHQ sau khi Israel tăng cường các cuộc tấn công vào lãnh thổ Libăng.
Ông Sudani nêu rõ: "Iraq kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Ả-rập để xem xét hậu quả của hành động xâm lược của Israel đối với người dân Libăng cũng như nỗ lực cùng nhau hành động để chấm dứt xung đột".
Cũng trong ngày 23/9, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo các cuộc tấn công của Israel vào Libăng đe dọa sẽ đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng hơn. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh các cuộc tấn công của Israel vào Libăng đánh dấu một giai đoạn xung đột mới, có nguy cơ đẩy toàn bộ khu vực vào cảnh hỗn loạn.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để ngăn chặn xung đột mở rộng trong khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Cộng đồng quốc tế và tất cả các tổ chức, đặc biệt là Hội đồng Bảo an LHQ, phải có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn xung đột lan rộng".
Phát biểu trước báo giới bên lề phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ ngày 23/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông sẽ không có lợi cho bất kỳ ai trên toàn thế giới, khẳng định rằng Tehran đã nỗ lực kiềm chế để đảm bảo hòa bình khu vực.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)