Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, các mẫu gạch làm từ nhiều thành phần có trong đất lấy từ Mặt Trăng sẽ được đưa lên trạm vũ trụ Thiên Cung bằng tàu vũ trụ Thiên Châu 8 sắp được phóng.
Những viên gạch này sẽ trải qua 3 năm thử nghiệm sức chịu đựng ngoài không gian, bao gồm việc bị tia cực tím và tia vũ trụ bắn phá, cùng khoảng cách chênh lệch nhiệt độ trong ngày cao. Việc thử nghiệm này sẽ kiểm tra độ bền và độ chắc của gạch trong môi trường khắc nghiệt và cách vật liệu hoạt động trong vũ trụ.
Thí nghiệm được thiết kế để cung cấp thông tin chi tiết về thành phần nào và phương pháp sản xuất gạch nào từ đất trên Mặt Trăng phù hợp nhất để xây dựng các công trình trên Mặt Trăng. Theo CCTV, một phương pháp để tạo ra những viên gạch này là nung nóng vật chất lên 1.000 độ C bằng cảm ứng điện từ trong lò thiêu kết. Quá trình này sẽ nung chảy vật liệu thành các cấu trúc rắn, tạo ra một viên gạch dài 18 cm chỉ trong 10 phút.
Sáng kiến tạo gạch từ đất Mặt Trăng được nghĩ ra trong bối cảnh chi phí để đưa vật liệu lên Mặt Trăng sẽ cực kỳ tốn kém. Vì vậy, sử dụng tài nguyên ngay tại chỗ có thể giúp giảm đáng kể chi phí và tăng năng lực thám hiểm Mặt Trăng.
Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt Trắng với các đối tác vào những năm 2030 được gọi là Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS). Để chuẩn bị, quốc gia này đang có kế hoạch thử nghiệm gạch in 3D trên Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ và xe tự hành Thường Nga 8. Nhiệm vụ này dự kiến được triển khai trong năm 2028.
Ngoài Trung Quốc, cả NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đều đang nghiên cứu tạo ra gạch từ các chất mô phỏng regolith trên Mặt Trăng. Trước đây, NASA đã thử nghiệm công nghệ trộn xi măng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), tập trung vào việc tạo ra các vật liệu cho các môi trường sống tiềm năng trong không gian. Tuy nhiên, thử nghiệm tới đây của Trung Quốc dự kiến là thử nghiệm đầu tiên trực tiếp kiểm tra khả năng chịu đựng của gạch làm từ đất Mặt Trăng trong không gian.
(TTXVN/Vietnam+)