Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty ngày 7/8 đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Anh, Iraq, Maroc, Kenya và Cộng hòa Cyprus để thảo luận về nỗ lực nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong các cuộc điện đàm, ông Abdelatty và những người đồng cấp đã thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Trung Đông cũng như các cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, Libăng, Libya, Sudan và Biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực hiện nay của Cairo nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Ông Abdelatty đã nêu bật những nỗ lực của Ai Cập nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và lực lượng Hamas.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh David Lammy, Ngoại trưởng Ai Cập đã cảnh báo về các mối nguy hiểm xuất phát từ cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và những căng thẳng leo thang trong khu vực.
Ông Abdelatty lưu ý những nguy cơ từ việc Israel leo thang chống lại Libăng và các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải ở biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gây sức ép buộc Israel phải chấm dứt chiến tranh ở Gaza.
Ông Abdelatty cũng điểm lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Sudan và nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn, đồng thời kêu gọi nhanh chóng cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Sudan.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Cộng hòa Cyprus Constantinos Kombos, Ngoại trưởng Abdelatty nhấn mạnh tính cấp thiết của các nỗ lực chung nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng cũng như ngăn chặn bạo lực và bất ổn trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Abdelatty khẳng định sự ủng hộ trước sau như một của Ai Cập đối với an ninh và ổn định của Iraq trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iraq Fuad Hussein.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Ngoại trưởng Abdelatty và người đồng cấp Maroc Nasser Bourita đã thảo luận về tình hình Libya, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Ai Cập Abdelatty cũng có cuộc điện đàm với người đồng Kenya Musalia Mudavadi để thảo luận về những diễn biến ở vùng Sừng châu Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan.
Hai bên trao đổi quan điểm về vấn đề nguồn nước sông Nile và mối quan hệ giữa các quốc gia lưu vực sông Nile, đồng thời xem xét các nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Phi.
Trong diễn biến khác, ngày 7/8, Chính quyền Ai Cập đã chỉ thị cho tất cả các hãng hàng không nước này tránh không phận Iran trong khoảng thời gian 3 giờ vào sáng sớm 8/8, trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran ngày càng leo thang nguy hiểm.
Thông báo được gửi tới các phi công vào ngày 7/8 cho biết chỉ thị sẽ có hiệu lực từ 1h00-4h00 GMT (tức từ 4h00-7h00 sáng 8/8). Thông báo nêu rõ: "Tất cả các hãng hàng không Ai Cập sẽ phải tránh bay qua FIR (Vùng Thông tin Bay) Tehran. Không có kế hoạch bay nào được chấp nhận qua vùng lãnh thổ này trong khoảng thời gian trên".
Trước đó ngày 4/8, Chính quyền Jordan đã yêu cầu tất cả các máy bay dự kiến hạ cánh tại các sân bay của nước này phải mang theo nhiên liệu dự phòng đủ sử dụng trong 45 phút. Nhiều hãng hàng không đang điều chỉnh lịch trình để tránh không phận Iran và Libăng cũng như hủy các chuyến bay đến Israel và Libăng do lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra sau các vụ ám sát thành viên cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Hezbollah.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết Iran sẽ không im lặng trước những hành động chống lại lợi ích và an ninh của nước này. Ông Pezeshkian đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm ngày 7/8 với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng sau vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran vào tuần trước.
Truyền thông Iran dẫn lời ông Pezeshkian cho biết tại cuộc điện đàm, tân Tổng thống Iran nêu rõ nếu Mỹ và các nước phương Tây thực sự muốn ngăn chặn xung đột trong khu vực, họ buộc phải gây sức ép để Israel chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, ngừng các cuộc tấn công tại Dải Gaza.
Cùng ngày, quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani đã trao đổi quan điểm về vụ ám sát ông Haniyeh với hai người đồng cấp Anh và Áo. Tại các cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Anh David Lammy và Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg, ông Bagheri Kani đã bày tỏ quan ngại về hành động của Israel, đồng thời thảo luận những diễn biến mới nhất trong khu vực.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Anh, ông Kani cáo buộc những hành động của Israel là nguyên nhân gây ra bất ổn trong khu vực. Về phần mình, Ngoại trưởng Lammy cho rằng vụ ám sát ông Haniyeh là "bước thụt lùi" trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ông kêu gọi Iran tự kiềm chế, đồng thời cảnh báo hậu quả "thảm khốc" sẽ xảy ra, nếu các bên liên quan không kiềm chế.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Áo, ông Kani lấy làm tiếc vì sự im lặng của một số quốc gia châu Âu trước những hành động của Israel, khiến căng thẳng và bất ổn gia tăng trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Schallenberg bày tỏ quan ngại tình hình khu vực đang trở nên trầm trọng hơn, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động mọi nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng.
Cũng trong ngày 7/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã họp khẩn tại Ả-rập Xê-út theo đề nghị của Iran để thảo luận về vụ thủ lĩnh Haniyeh bị ám sát. Theo Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, thủ lĩnh chính trị Hamas Haniyeh được mời tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 30/7, đã thiệt mạng cùng với vệ sĩ của mình vào sáng 31/7 khi nơi ở của nhân vật này ở Tehran bị tấn công.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)