Một nhóm nghiên cứu vừa phát triển thành công thiết bị tự động có khả năng phân loại hiệu quả muỗi đực và muỗi cái - một bước đột phá kỹ thuật trong kiểm soát sinh học giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm do muỗi.
Kết quả trên được nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khoa học tại Đại học bang Michigan (Mỹ), Đại học Tế Nam và Công ty Công nghệ sinh học Wolbaki Quảng Châu (Trung Quốc), công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Science Robotics ngày 31/8.
Trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm do muỗi, đặc biệt là sốt xuất huyết, ngày càng trở nên nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và sự di chuyển của con người.
Phó Giáo sư Li Yongjun tại Đại học Tế Nam cho biết các phương pháp kiểm soát muỗi truyền thống như hóa chất đang gặp phải những hạn chế về ô nhiễm môi trường và sự kháng thuốc của muỗi.
Trong khi đó, phương pháp kiểm soát sinh học bằng cách thả muỗi đực bị triệt tiêu khả năng sinh sản vào tự nhiên để giao phối với muỗi cái đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm "dân số" loài muỗi nói chung và số lượng muỗi cái hoang dã nói riêng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng rộng rãi phương pháp này vẫn còn gặp khó khăn do thiếu một công cụ phân biệt muỗi đực và muỗi cái hiệu quả.
Thiết bị phân loại tự động mới được phát triển đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên.
Theo ông Gong Juntao, nhà nghiên cứu tại Công ty Công nghệ sinh học Wolbaki Quảng Châu, thiết bị này có thể phân tách và thu thập nhộng muỗi hiệu quả.
Thiết bị phân tách tự động cho phép người vận hành phân loại hơn 16 triệu con muỗi đực chỉ với 8 giờ làm việc mỗi ngày và 5 ngày một tuần, tăng gấp 17 lần so với phương pháp phân loại thủ công.
Kết quả trên cho thấy thiết bị tự động phân loại có tiềm năng giúp kiểm soát hiệu quả các bệnh truyền nhiễm do muỗi trên toàn cầu. Thiết bị này đã được bán cho 18 quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc và Ý.
Theo TTXVN/Vietnam+