Theo một cuộc khảo sát do AP tiến hành, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhận được số phiếu đại biểu cần thiết để giành được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Theo thăm dò của AP, bà Harris nhận được 2.214 phiếu đại biểu, vượt xa số lượng đa số cần thiết để giành được đề cử ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ. Đây là cuộc khảo sát không chính thức do AP tiến hành, trong đó các đại biểu của đảng Đảng Dân chủ được tự do bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ lựa chọn.
Trong khi đó, ngày 22/7, giới chức cấp cao Đảng Dân chủ Mỹ thông báo đảng này sẽ bầu chọn ứng cử viên tổng thống trước ngày 7/8 tới, sau khi đương kim Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, truyền thông Mỹ đưa tin Đảng Dân chủ sẽ bầu chọn ứng cử viên tổng thống thay ông Joe Biden trước ngày 7/8, tức là trước khi diễn ra Đại hội Toàn quốc của đảng này, dự kiến được tổ chức tại TP Chicago từ ngày 19-22/8.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC) Jaime Harrison xác nhận một cuộc bỏ phiếu trực tuyến dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 1-5/8 và quá trình bầu người đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống năm nay sẽ hoàn tất không muộn hơn ngày 7/8. Tuy nhiên, giới chức Đảng Dân chủ chưa ấn định ngày giờ cụ thể.
DNC sẽ áp dụng một hệ thống bỏ phiếu điện tử để các đại biểu bầu cho các ứng cử viên đáp ứng 3 tiêu chí: chính thức đăng ký ứng cử với DNC, đáp ứng các tiêu chuẩn của đảng và các quy định pháp lý để trở thành tổng thống Mỹ và nhận được sự tán thành của ít nhất 300 đại biểu (trong đó không một bang nào được có hơn 50 đại biểu).
DNC quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu trực tuyến bầu ứng cử viên cũng nhằm đáp ứng quy định của bang Ohio, theo đó các chính đảng phải xác nhận danh tính các ứng cử viên 90 ngày trước ngày bầu cử.
Chủ tịch Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ Minyon Moore khẳng định quá trình đề cử sẽ "nhanh chóng, minh bạch và công bằng". Theo bà Minyon, một cuộc chiến đề cử gây tranh cãi với các thủ tục bỏ phiếu phức tạp và mất thời gian tại đại hội là không cần thiết, đồng thời cho biết thêm Đại hội tại Chicago vẫn sẽ diễn ra bình thường. Ủy ban Điều lệ của Đảng Dân chủ dự kiến nhóm họp ngày 24/7 để ấn định ngày tiến hành cuộc bỏ phiếu trực tuyến
Chủ tịch DNC Jaime Harrison đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các quan chức và chính khách hàng đầu của đảng Dân chủ đang nhanh chóng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành người thay thế Tổng thống Biden đại diện cho đảng này ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm nay.
Bà Harris đang nổi lên là ứng cử viên sáng giá nhất sở hữu tấm vé đại diện của đảng Dân chủ. Tới ngày 22/7, đã có hơn 770 đại biểu cam kết bầu cho Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời bà Harris cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Biden và nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng này, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Ngày 22/7, nhóm phụ trách chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris thông báo trong vòng 24 giờ đã huy động được 81 triệu USD - số tiền gây quỹ trong một ngày lớn chưa từng có trong lịch sử các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Con số ấn tượng này đã bổ sung vào quỹ gần 250 triệu USD được tích lũy trong chu kỳ bầu cử này của Đảng Dân chủ. Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, các ủy ban gây quỹ chung cùng hơn 888.000 nhà tài trợ cấp cơ sở đã cùng đóng góp số tiền kỷ lục nói trên.
Trước đó đã có những lo ngại về việc gây quỹ sau màn tranh luận không thành công của ông Biden. Tuy nhiên, số tiền quyên góp tăng vọt gần đây cho thấy sự nhiệt tình mới của các nhà tài trợ của Đảng Dân chủ. Truyền thông Mỹ ngày 22/7 đưa tin siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) Future Forward của Đảng Dân chủ đã huy động được 150 triệu USD từ các cam kết tài trợ mới trong vòng 24 giờ sau khi ông Biden rút lui. Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, ủy ban này đã nắm giữ khoảng 122 triệu USD tiền mặt.
Trong diễn biến khác, ngày 22/7, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle thừa nhận cơ quan này đã thất bại khi không ngăn chặn được vụ mưu sát cựu Tổng thống Donald Trump mới đây.
Điều trần tại Ủy ban giám sát của Hạ viện Mỹ về vụ việc trên, bà Cheatle nói rằng việc không ngăn chặn được vụ mưu sát nhằm vào ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ngày 13/7 vừa qua "là thất bại đáng kể nhất" trong hoạt động của Cơ quan Mật vụ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đã kêu gọi bà Cheatle từ chức, tuy nhiên bà đã bác bỏ kêu gọi này, nhấn mạnh bà "là người phù hợp nhất để lãnh đạo Cơ quan Mật vụ vào thời điểm này".
Đối với những cáo buộc của Đảng Cộng hòa Mỹ cho rằng Cơ quan Mật vụ không hỗ trợ các nguồn lực để bảo vệ ông Trump, bà Cheatle khẳng định an ninh cho cựu tổng thống đã được tăng cường trước khi xảy ra vụ nổ súng. Bà từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể của các nghị sĩ về kế hoạch an ninh trong ngày xảy ra vụ việc, cho biết vấn đề này đang được điều tra nội bộ.
Phiên điều trần của Giám đốc Cơ quan Mật vụ đánh dấu vòng giám sát đầu tiên của Quốc hội Mỹ về vụ mưu sát cựu Tổng thống Trump. Dự kiến, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng sẽ phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ngày 23/7. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng dự kiến công bố một nhóm đặc trách với sự tham gia của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ để điều phối các cuộc điều tra của Hạ viện.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)