Trong các ngày từ 25-26/6, tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thủ đô Moscow của Nga đã diễn ra diễn đàn khoa học và chuyên gia Tham luận Primakov lần thứ X.
Đây là hội nghị quốc tế thường niên uy tín của Liên bang Nga trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới, qui tụ các chuyên gia hàng đầu của Nga và nước ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, diễn đàn năm nay có sự tham gia của đại diện các tổ chức công, các nhà ngoại giao và chính trị gia đến từ 18 quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Bulgaria, Brazil, Bỉ, Armenia…
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Liên bang Nga Konstantin Kosachev, Trợ lý Tổng thống Liên bang Nga Yury Ushakov, Phó Thủ tướng Alexey Overchuk và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov là những diễn giả của diễn đàn.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là Nước Nga trong bối cảnh toàn cầu. Trong hai ngày, các đại biểu tham gia thảo luận cởi mở về sự xuất hiện của trật tự thế giới mới, tác động của các cuộc khủng hoảng đối với tình hình an ninh châu Âu trong tương lai, hay kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.
Các diễn giả cũng đề cập đến các chủ đề như quan hệ của Nga với các trung tâm quyền lực hàng đầu thế giới và việc tìm kiếm sự cân bằng lợi ích, an ninh và xung đột ở các khu vực khác nhau của Á - Âu, vai trò của Nam bán cầu trong thế giới đang thay đổi.
Đặc biệt, diễn đàn năm nay tập trung vào vai trò của BRICS trong việc hình thành cấu trúc kinh tế toàn cầu mới, phương thức hợp tác giữa các nước trong không gian Đại Á - Âu, và một thế giới đa trung tâm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vyacheslav Nikonov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga nhận định BRICS không còn nhỏ nữa, sau 15 năm, chỉ từ một ý tưởng đã hình thành một hiệp hội quốc tế lớn nhất qui tụ một nửa nhân loại, một nửa nền kinh tế thế giới và đang mở rộng.
BRICS cũng đưa ra những nguyên tắc hoàn toàn mới, có thể được xem là nguyên tắc quan hệ của tương lai dựa trên chủ quyền, dựa trên sự đồng thuận, tôn trọng đối tác, đối thoại và đồng thuận.
Bởi vậy cấu trúc của BRICS hiện rất đa dạng, với hơn 200 hình thức hợp tác, từ học thuật đến rất thực tiễn, liên quan đến kinh tế, tài chính, bảo vệ môi trường, y học, đô thị…
Trong khi đó Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Viện Á - Phi, Đại học tổng hợp Lomonosov (MGU), ông Boris Volkhonsky bình luận trong không gian Á - Âu có nhiều hình thức hợp tác, như BRICS, trong đó có các nước thuộc Á - Âu như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Iran cũng đã tham gia, hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong đó gồm các nước của Trung Á và nhiều nước khác, và cả Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 thành viên.
Ông cho rằng dường như có các cơ chế tương tác giữa tất cả các hiệp hội này ở định dạng như BRICS +, nói cách khác là sự hợp tác của một số loại hiệp hội hội nhập như BRICS-ASEAN, BRICS-SCO, BRICS-EAEU và các hiệp hội khu vực khác có thể chỉ cần thiết lập các chế độ ưu đãi cho hợp tác kinh tế.
Nhà khoa học này tin tưởng những tương tác giữa các định dạng hợp tác hiện có như vậy chính là một Đại Á - Âu trong tương lai.
Về phần mình, chuyên gia về Việt Nam, ông Mikhail Terskikh, Phó Tiến sĩ Khoa học chính trị, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Quốc gia (IMEMO), Viện Hàn lâm Khoa học Nga khẳng định: “Nga có thể trở thành nhà cung cấp nhiều loại hình an ninh khác nhau. Chúng ta đang nói về an ninh và an ninh vật lý trực tiếp khi nói về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.
An ninh cung ứng nông sản. An ninh năng lượng, như bạn biết đấy, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với từng quốc gia đang tích cực phát triển. Bảo mật thông tin, khi chúng ta nói về công nghệ thông tin
Đối với Việt Nam, như anh biết đấy giờ đây tất cả các lĩnh vực hợp tác hiện có giữa Nga và Việt Nam đã được xác nhận một lần nữa trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng thống chúng tôi”.
Theo TTXVN/Vietnam+