Các nhà hòa giải bao gồm Ai Cập, Mỹ và Qatar ngày 1/6 đã kêu gọi Israel và Hamas hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin dựa trên kế hoạch do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trước đó nhằm giải quyết xung đột ở Dải Gaza.
Theo thông cáo báo chí chung được công bố tại Cairo và Doha, "với tư cách là các bên trung gian trong các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả con tin cũng như những người bị giam giữ ở Gaza, Mỹ, Ai Cập và Qatar cùng kêu gọi Hamas và Israel hoàn tất thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc do Tổng thống Biden đưa ra vào ngày 31/5".
Theo tuyên bố chung của ba nước hòa giải, những nguyên tắc được đưa ra trong phát biểu của Tổng thống Mỹ Biden "đã tập hợp yêu cầu của tất cả các bên trong một thỏa thuận mang lại nhiều lợi ích" và góp phần thúc đẩy viện trợ ngay lập tức cho người dân Gaza cũng như mang lại hy vọng cho các con tin và gia đình họ.
Tuyên bố cho biết thêm rằng thỏa thuận này cũng đưa ra "lộ trình cho lệnh ngừng bắn lâu dài và chấm dứt cuộc khủng hoảng".
Hôm 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn "đầy đủ và toàn diện" kéo dài 6 tuần.
Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút một phần khỏi Gaza và những con tin, gồm người lớn tuổi, phụ nữ và người bị thương, sẽ được trao đổi với hàng trăm tù nhân Palestine.
Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tổng thống Biden khẳng định lệnh ngừng bắn "sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn".
Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Tuyên bố chung của ba nhà hòa giải được đưa ra trong bối cảnh Ai Cập dự kiến sẽ tiến hành một vòng đàm phán mới giữa Mỹ, Ai Cập và Israel vào ngày 2/6, để thảo luận về việc mở lại cửa khẩu biên giới Rafah.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, nhằm thảo luận các biện pháp giúp giải quyết khủng hoảng Gaza.
Theo TTXVN/Vietnam+