Thứ Hai, 25/11/2024 03:25 SA
Xung đột Hamas - Israel: Nối lại đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza
Thứ Tư, 08/05/2024 11:02 SA

Ngày 7/5 (theo giờ địa phương), các phái đoàn của Israel, Phong trào Hồi giáo Hamas, Qatar và Mỹ đã đến Cairo (Ai Cập) để nối lại đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Ngày 7/5 (theo giờ địa phương), các phái đoàn của Israel, Phong trào Hồi giáo Hamas, Qatar và Mỹ đã đến Cairo (Ai Cập) để nối lại đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

 

Kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập dẫn nguồn tin giấu tên cho biết phái đoàn Israel gồm thành viên của Cơ quan tình báo và Cơ quan An ninh quốc gia Israel.

 

Trong thông điệp bằng video, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã chỉ thị phái đoàn của nước này tiếp tục kiên định lập trường về những điều kiện cần thiết trao trả tự do cho con tin đồng thời tiếp tục thể hiện quan điểm về những yêu cầu cần thiết để đảm bảo an ninh cho Israel. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra và Hamas đã chấp thuận vào ngày 6/5 vừa qua không đáp ứng được yêu cầu của phía Israel.

 

Ngày 7/5, người phát ngôn Chính phủ Israel kêu gọi các tổ chức quốc tế sơ tán khỏi các khu vực của TP Rafah, nơi quân đội nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự. Nhiều nước đưa ra phản ứng sau khi quân đội Israel tuyên bố đã bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah và bước đầu giành quyền kiểm soát phía Palestine của cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ nước này đã thể hiện rõ quan điểm với Israel về cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah. Người phát ngôn trên khẳng định chính quyền Mỹ vẫn tin rằng thỏa thuận trao đổi con tin là điều tốt nhất và có lợi cho cả người dân Palestine và Israel, theo đó sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza. Đây là phản ứng đầu tiên của chính quyền Washington kể từ khi các lực lượng Israel kiểm soát một phần cửa khẩu Rafah.

 

Hãng thông tấn chính thức WAFA cho biết chính quyền Palestine cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ “lập tức can thiệp” nhằm ngăn Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah, phía Nam Gaza.

 

Cùng ngày trên mạng xã hội X, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz chỉ trích hoạt động của quân đội Israel tại Rafah và cho rằng chính quyền Israel sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này.

 

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hối thúc Israel "ngừng tấn công Rafah" sau khi quân đội Israel xác nhận họ đã "kiểm soát hoạt động" tại cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.

 

Tại cuộc họp báo, ông Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Israel lưu tâm đến yêu cầu của cộng đồng quốc tế, ngừng tấn công Rafah và làm mọi thứ có thể để tránh một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn ở Dải Gaza". Theo ông Lâm Kiếm, Trung Quốc “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Israel lên kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự trên bộ tại Rafah”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh bạo lực về cơ bản không thể giải quyết được vấn đề và không thể mang lại an ninh thực sự.

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, Ngoại trưởng New Zealand, ông Winston Peters, cho biết chính quyền nước này kêu gọi cả Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn lập tức để tránh thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn mà hành động quân sự của Israel ở Rafah có nguy cơ gây ra.

 

Ngoại trưởng Peters nhấn mạnh: “Không thể để nỗi đau khổ lớn ở Gaza trở nên tồi tệ hơn nữa. Cả hai bên đều có trách nhiệm chấm dứt xung đột. New Zealand kêu gọi các bên kiềm chế và cuộc tấn công quân sự vào Rafah là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông Peters bày tỏ hoan nghênh nỗ lực của các nước như Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài và thả con tin”.

 

Ông Peters cho rằng: “Trách nhiệm của cả Israel và Hamas là đồng ý với các điều khoản cho phép chấm dứt ngay lập tức xung đột vũ trang, giải phóng con tin và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu nhân đạo trước mắt của người dân ở Gaza”. Ông Peters nói rằng New Zealand tiếp tục ủng hộ giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình này, để người Israel và Palestine có thể chung sống an toàn và hòa bình. Ông khẳng định giải pháp như vậy chỉ có thể đạt được trên bàn đàm phán chứ không phải ở Rafah.

 

Trong khi đó, phát biểu tại một buổi họp báo tại Beirut ngày 7/5, Osama Hamdan - lãnh đạo của Hamas, cho biết nếu quân đội Israel tiếp tục hoạt động quân sự ở Rafah, thì sẽ không thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào.

 

Việc nối lại đàm phán nói trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel hôm 7/5 đã tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza, nơi có hơn 1 triệu người dân Palestine đang tránh trú tạm thời kể từ khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 10 năm ngoái. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi cả Israel và Hamas nỗ lực hơn nữa trong đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột.

 

Dự kiến, Giám đốc cơ quan tình báo trung ương Mỹ Bill Burns sẽ đến Israel vào ngày 8/5 để thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ngày 7/5 đã ra thông báo kêu gọi bảo vệ thường dân ở Dải Gaza. Thông báo nhắc tới việc rằng cơ quan này từng cảnh báo chiến dịch quân sự của Israel ở TP Rafah sẽ mang tới nhiều nguy cơ cho dân thường vì hơn 1 triệu người Palestine phải di dời đang sống ở phía Nam của Dải Gaza.

 

Thông báo nhấn mạnh: “Cần có thực hiện tất cả các nỗ lực để cứu mạng sống dân thường và đảm bảo họ có quyền tiếp cận các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống, bao gồm thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế. Cần phải đảm bảo rằng các bước được thực hiện trong những tuần gần đây nhằm tăng cường dòng viện trợ vào Dải Gaza vẫn được duy trì. Chúng tôi cũng nhắc lại sự cần thiết phải bảo vệ sứ mệnh y tế, bao gồm cơ sở vật chất, xe cứu thương, bác sĩ và y tá , và kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột bảo vệ và tôn trọng đầy đủ dịch vụ thiết yếu và cứu sống này”.

 

Trong khi tiếp tục yêu cầu trả tự do hoàn toàn và vô điều kiện cho các con tin nhưng ICRC đánh giá vấn đề này sẽ được thực hiện với việc các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Do đó, ICRC hy vọng các bên sẽ đạt được cả thỏa thuận nhằm đoàn tụ các gia đình và cung cấp viện trợ cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.

 

ICRC khẳng định sẵn sàng đóng vai trò trung gian trung lập trong việc thực hiện các khía cạnh nhân đạo của thỏa thuận. Ngoài ra, ICRC cho rằng nếu các hoạt động quân sự tiếp tục, điều quan trọng là các bên xung đột phải tính đến thực tế là có rất nhiều người di chuyển qua những con đường bị hư hại và qua các khu vực có thể bị ô nhiễm bởi vũ khí chưa nổ.

 

Việc sơ tán phải được thực hiện sao cho đảm bảo người dân đến nơi an toàn và có các điều kiện đảm bảo về vệ sinh, sức khỏe, an toàn và dinh dưỡng; các thành viên trong gia đình không nên tách rời.

 

ICRC kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tôn trọng nghĩa vụ pháp lý theo quy định của luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ và bảo toàn mạng sống dân sự và các vật thể dân sự. Hiện các đội ICRC đang có mặt tại hiện trường và đang đáp ứng các nhu cầu nhân đạo. Riêng tại thành phố Rafah, ICRC đang giúp đỡ mọi người, bao gồm cung cấp bữa ăn, nước uống, lều, nệm và chăm sóc y tế. ICRC cam kết duy trì sự gần gũi với những người cần giúp đỡ trong suốt cuộc xung đột.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek