* Brazil tận dụng công nghệ AI để bảo vệ động vật hoang dã
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, các nhà khoa học Nam Phi đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh thuốc chữa bệnh phù hợp với người dân châu Phi.
Giáo sư Kelly Chibale, Giám đốc Trung tâm Phát triển và khám phá thuốc toàn diện (H3D) tại Đại học Cape Town, cho biết nghiên cứu và thử nghiệm thuốc thường không thành công ở cả giai đoạn lâm sàng và tiền lâm sàng, dẫn đến việc phát triển các loại thuốc không nhất thiết phải phù hợp để điều trị bệnh cho người dân ở châu Phi.
Theo GS Chibale, dân số châu Phi chiếm 15% dân số thế giới nhưng người dân ở châu lục này hứng chịu 20% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Ông nhấn mạnh các loại thuốc chưa được tối ưu hóa cho nhóm bệnh nhân châu Phi.
Dự án châu Phi GRADIENT, một sáng kiến được công ty dược phẩm GlaxoSmithKline và Novartis phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC) thúc đẩy, đang sử dụng AI để xác định các biến thể di truyền phổ biến ở châu Phi có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của thuốc.
Các biến thể di truyền này sau đó được kết hợp vào các mô hình toán học để đưa ra liều lượng phù hợp được đề xuất và cần được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng bắc cầu ở người.
AI có tiềm năng tăng tốc nghiên cứu y tế ở châu Phi, nhưng vẫn còn một số rào cản cần giải quyết, bao gồm khả năng tiếp cận điện và Internet, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dữ liệu.
Ông Chibale cho rằng các học giả châu Phi nên dẫn đầu nghiên cứu này để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho lục địa và người dân châu Phi cần đóng góp nhiều hơn vào đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
* Theo Trung tâm Sinh thái đường bộ Brazil (CBEE), khoảng 475 triệu con vật có xương sống chết trên đường mỗi năm - chủ yếu là các loài động vật có kích thước nhỏ như chuột lang nước, armadillos (họ thú có mai) hay và possum (loài thú có túi). Điều phối viên CBEE Alex Bager nhấn mạnh đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến động vật hoang dã hiện nay tại Brazil.
Trước thực trạng trên, Gabriel Souto Ferrante, 25 tuổi, sinh viên khoa học máy tính đang theo học thạc sĩ tại trường Đại học Sao Paulo (USP), đã bắt tay vào việc bảo vệ động vật hoang dã khỏi xe cộ. Đầu tiên, anh xác định 5 loài động vật có kích cỡ trung bình và lớn có nguy cơ bị xe đâm phải, trong đó có báo sư tử, thú ăn kiến, heo vòi, sói bờm và báo đốm.
Sau đó, anh thiết lập một cơ sở dữ liệu với hàng nghìn hình ảnh về những con vật này và huấn luyện một mô hình AI để nhận dạng chúng trong thời gian thực. Chàng sinh viên này đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm và thu về kết quả thành công. Công trình nghiên cứu của Souto được ông bố trên tạp chí Scientific Reports.
Theo Souto, để dự án trở thành hiện thực, thì các nhà khoa học sẽ cần sự hỗ trợ các công ty quản lý đường sá nhằm truy cập vào camera giao thông và các thiết bị điện toán vốn có thể chuyển cảnh báo theo thời gian thực cho tài xế giống như một số ứng dụng điều hướng. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến động vật hoang dã và đảm bảo an toàn cho lái xe.
Ông Bager cho biết trong những năm qua, giới chức Brazil đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc lắp đặt các biển cảnh báo, nhằm giảm tình trạng động vật hoang dã bị xe cộ đâm chết, song không đạt dược hiệu quả cao. Ông cho biết việc lắp đặt biển cảnh báo chỉ khiến tốc độ di chuyển của các phương tiện giao thông giảm khoảng 3%, trong khi các cầu và đường hầm dành cho động vật băng qua đường hoặc lập hàng rào dọc 2 bên đường cũng không giúp giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Năm 2014, ông Bager đã hợp tác với một số nhà sinh thái học thành lập một ứng dụng có tên Urubu để thông báo các điểm nóng về tai nạn giao thông liên quan đến động vật hoang dã. Ứng dụng này đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và thậm chí còn truyền cảm hứng cho một dự luật về đảm bảo an toàn cho động vật hoang dã khi lưu thông trên đường. Dự luật này đang chờ sự phê chuẩn của Quốc hội Brazil. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, ứng dụng Urubu đã ngừng hoạt động vào năm 2023.
T.LÊ (tổng hợp từ TXVN/Vietnam+)