Châu Âu sẽ ngày càng hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu đựng được do biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu gia tăng.
Đây là một phần nội dung báo cáo mà Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 22/4. Báo cáo cho biết châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu, đồng thời dự báo trong tương lai, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài với cường độ mạnh hơn.
Cùng với tình trạng dân số già hóa và việc người dân di chuyển đến sinh sống ở các thành phố, tình trạng nắng nóng gia tăng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong báo cáo chung, hai cơ quan trên lưu ý những điều kiện thời tiết cực đoan tại châu Âu năm ngoái, bao gồm đợt sóng nhiệt hồi tháng 7 khiến khoảng 41% diện tích khu vực Nam Âu rơi vào tình trạng "stress nhiệt" ở mức mạnh, rất mạnh hoặc cực đoan. Đây là khu vực lớn nhất của châu Âu hứng chịu tình trạng như vậy trong bất kỳ ngày nào được ghi nhận.
Theo nhà khoa học Rebecca Emerton thuộc Copernicus, châu Âu đang chứng kiến xu hướng tình trạng "stress nhiệt" gia tăng và năm 2023 châu lục này ghi nhận kỷ lục số ngày xảy ra "stress nhiệt" ở mức cực đoan.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), "stress nhiệt", hay căng thẳng do nhiệt gây ra đối với cơ thể, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không ảnh hưởng xấu đến sinh lý. Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiệt độ trên 35 độ C và trong môi trường có độ ẩm cao.
Tuy nhiên, stress nhiệt có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người nếu chịu đựng trong một thời gian dài, đặc biệt đối với những người lao động ngoài trời như công nhân, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch và tiểu đường.
Vào tháng 7/2023, nhiều khu vực của Ý đã ghi nhận số ca tử vong cao hơn 7% so với mức thông thường của cùng kỳ trước đó. Trong số các nạn nhân có nam công nhân 44 tuổi làm nghề vẽ vạch kẻ đường tại thị trấn Lodi ở phía bắc Ý.
Stress nhiệt đo lường tác động của môi trường đối với cơ thể con người, kết hợp các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và phản ứng của cơ thể để thiết lập cảm giác nhiệt.
Trong năm 2023, nhiều khu vực của Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Hy Lạp đã chìm trong tình trạng stress nhiệt ở mức độ cực đoan kéo dài tới 10 ngày, với cảm giác nhiệt có lúc lên tới hơn 46 độ C - mức nhiệt cần sự can thiệp ngay lập tức để tránh xảy ra sốc nhiệt hoặc các vấn đề khác về sức khỏe.
Báo cáo chung cho biết, 23 trong số 30 đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất ở châu Âu xảy ra trong thế kỷ này và châu lục ghi nhận số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng khoảng 30% trong vòng 20 năm qua.
Trước tình trạng này, tháng trước, Copernicus đã kêu gọi chính phủ các nước châu Âu cần tăng cường năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi EU thắt chặt quy định để bảo vệ công nhân làm việc ngoài trời dưới nắng nóng cực đoan.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra mức nhiệt độ bất thường vào năm ngoái là do mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, các yếu tố khác như hình thái thời tiết El Nino cũng góp phần gây ra tình trạng trên.
Hai cơ quan theo dõi khí hậu đều cho rằng vấn đề nhiệt độ cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra là mối đe dọa lớn nhất mà châu Âu phải hứng chịu, đồng thời cảnh báo nhiệt độ cực đoan gây ra những hệ quả đặc biệt nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Ngoài nắng nóng bất thường, biến đổi khí hậu cũng gây ra những điều kiện thời tiết cực đoan khác như các trận lũ lụt kinh hoàng, hạn hán kéo theo cháy rừng quy mô lớn, giông bão gây thiệt hại nặng.
Các sông băng ở khắp châu Âu chứng kiến hiện tượng băng tan, trong khi Hy Lạp hứng chịu trận cháy rừng quy mô lớn nhất trong lịch sử EU. Nhà khoa học Rebecca Emerton thuộc Copernicus ước tính, những sự kiện thời tiết cực đoan ở châu Âu trong năm ngoái gây thiệt hại khoảng 13,4 tỉ euro (14,3 tỉ USD), trong đó 80% thiệt hại là do lũ lụt.
Trong báo cáo hồi tháng 1 vừa qua, Copernicus xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất kể từ khi dữ liệu nhiệt độ toàn cầu được ghi lại vào năm 1850. Trong đó, châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới.
Theo TTXVN/Vietnam+