Ngày 8/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza.
Thông báo của Thủ tướng Netanyahu có đoạn: "Hôm nay, tôi nhận được báo cáo cụ thể về tiến trình đàm phán ở Cairo (Ai Cập), chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và giành được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel không tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành chiến dịch.
Trong khi đó, một quan chức của phong trào Hồi giáo Hamas cùng ngày cho biết vòng đàm phán tại Cairo về ngừng bắn ở Dải Gaza không đạt được tiến triển nào.
Thông tin này trái ngược với thông tin mà kênh truyền hình Al-Qahera News trước đó cho biết đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được tiến triển sau khi các bên tham gia nhất trí về những điểm cơ bản.
Hôm 7/4, Israel và Hamas đều đã cử đại diện tới Cairo để tham gia đàm phán, cùng với sự tham gia của các nhà trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) William Burns.
Rafah là nơi trú ẩn của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời và cũng là điểm tiếp nhận hàng viện trợ cho Gaza. Số phận của người dân ở Rafah là điều khiến các tổ chức nhân đạo và đồng minh của Israel quan ngại nhất. Họ cảnh báo việc Israel triển khai chiến dịch tấn công vào khu vực đông đúc này sẽ gây ra thảm họa.
Người đàn ông bị thương ôm thi thể một nạn nhân sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Gaza ngày 4/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 8/4, Viện Nghiên cứu và Chính sách Israel (RISE) công bố báo cáo cho biết trong 2 quý vừa qua, trùng với thời gian diễn ra cuộc xung đột tại Dải Gaza, đầu tư mạo hiểm dành cho lĩnh vực công nghệ cao tại Israel giảm tới 30% so với 6 tháng trước đó.
Báo cáo của RISE lấy ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp tại Israel cho thấy đầu tư cho công nghệ đã giảm xuống còn 1,7 tỉ USD trong quý 4 năm 2023 và 1,6 tỉ USD trong quý 1 năm 2024, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Hơn nữa, 50% tổng vốn đầu tư tập trung vào 6 công ty lớn, mỗi công ty nhận từ 100 triệu USD trở lên. Các công ty còn lại “chia nhau” một nửa tổng vốn đầu tư, cho thấy nhóm công ty vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề của cuộc chiến tranh bùng nổ từ đầu tháng 10/2023 và kéo dài đã được 6 tháng.
Trong 6 tháng qua, số lượng nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Israel giảm 23% so với 6 tháng trước đó, trong khi số nhà đầu tư trong nước giảm mạnh hơn, tới 30%.
Theo RISE, mặc dù chưa thể tách bạch nguyên nhân là do xu hướng giảm từ năm 2022 hay do chiến tranh, nhưng “hiện tượng này là cực kỳ đáng lo ngại”.
Báo cáo nêu rõ: “Ngành công nghệ cao của Israel đòi hỏi sự ra đời của các công ty khởi nghiệp và cơ hội tăng trưởng, mở rộng cho các công ty trưởng thành hơn.
Muốn vậy cần có một hệ sinh thái các nhà đầu tư sở tại và nước ngoài đang hoạt động. Sự suy giảm về số lượng các nhà đầu tư nước ngoài là đáng lo ngại, bởi nó có thể bộc lộ xu hướng rút khỏi Israel do các diễn biến gần đây”.
Đầu tư cho công nghệ cao tại Israel đạt mức đỉnh 9 tỉ USD trong quý 4 năm 2021, sau đó liên tục đi xuống theo xu thế giảm chung trên toàn cầu.
Theo TTXVN/Vietnam+