* Tàu Odysseus "ngủ yên vĩnh viễn" trên Mặt Trăng sau cuộc đổ bộ lịch sử
Bản đồ ba chiều 3D chi tiết về Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ sớm được hình thành trong tương lai nhờ một thiết bị công nghệ tiên tiến vừa được đưa trạm không gian này.
Thiết bị công nghệ này là sản phẩm hợp tác của Tập đoàn Boeing, Phòng Thí nghiệm quốc gia và Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) của Mỹ, kết hợp hai công nghệ của CSIRO - Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung của Úc.
Hãng SpaceX đã phóng tàu tiếp tế từ Trung tâm vũ trụ Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ) hôm 21/3. Tàu vũ trụ này mang theo thiết bị quét hình ảnh và lập bản đồ 3D.
Dự kiến, thiết bị sẽ được gắn vào một hệ thống robot di động, để từ đó làm nhiệm vụ tổng hợp dữ liệu chất lượng cao về môi trường xung quanh.
Theo TS Marc Elmouttie, Trưởng nhóm nghiên cứu của CSIRO, mục tiêu của nhiệm vụ này là chứng minh rằng công nghệ của Úc có thể cung cấp khả năng cảm biến và lập bản đồ 3D chất lượng cao cho các hệ thống robot trên tàu vũ trụ.
Ông Elmouttie cho biết bằng cách tiến hành quét hình ảnh 3D nội bộ, thiết bị có thể theo dõi chuyển động của hàng tồn kho trong trạm, giúp các nhà du hành vũ trụ và kiểm soát viên lên kế hoạch hoạt động.
Nếu việc quét hình ISS thành công, CSIRO có kế hoạch phát triển công nghệ này cho các ứng dụng khác trong không gian, trong đó có cả các môi trường không có người lái hoàn toàn và thăm dò bề mặt Mặt Trăng tiềm năng.
* Công ty Intuitive Machines có trụ sở tại TP Houston (Mỹ) thông báo tàu đổ bộ không người lái Odysseus đã không thể "thức giấc" và đã trở thành tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên "ngủ yên vĩnh viễn" trên Mặt Trăng.
Theo Intuitive Machines, tàu Odysseus đã không kết nối liên lạc với trung tâm điều hành tại Trái Đất trong tuần qua, mặc dù các chuyên gia dự tính rằng các tấm pin Mặt Trời của tàu sẽ tích tụ đủ ánh sáng Mặt Trời để hoạt động trở lại. Tàu Odysseus đã hạ cánh ở một góc nghiêng khi đổ bộ Mặt Trăng vào ngày 22/2.
Dù vị trí đáp không thuận lợi, nhưng Odysseus vẫn có thể hoàn thành một số thử nghiệm và gửi về Trái Đất một số hình ảnh mà tàu này ghi lại trên Mặt Trăng, trước khi bị bóng đêm bao phủ buộc tàu này phải "đi ngủ".
Một đêm trên Mặt Trăng tương đương 14 đêm ở Trái Đất. Intuitive Machines hy vọng rằng Odysseus có thể "tỉnh dậy" sau khi nhận được ánh sáng Mặt Trời trở lại, giống như điều phi thường mà tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản đã thực hiện hồi tháng trước sau khi hạ cánh ở tư thế lộn ngược.
Tuy nhiên, điều thần kỳ ấy không xảy ra. Tối 23/3, Intuitive Machines cho biết sau nhiều ngày chờ đợi, các nhà điều hành khẳng định hệ thống điện của tàu Odysseus không còn hoạt động.
Thông báo của Intuitive Machines nêu rõ: “Điều này xác nhận rằng Odysseus đã vĩnh viễn ra đi sau khi ghi dấu ấn trong lịch sử với tư cách là tàu đổ bộ thương mại đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng”.
Cả Intuitive Machines và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đều đánh giá Odysseus đã thực hiện thành công sứ mệnh của mình, mặc dù tàu gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện, bao gồm cả việc bị lật nhào khi hạ cánh.
Cuộc đổ bộ của tàu Odysseus đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ của Mỹ đáp xuống Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Apollo 17 (có người lái) vào năm 1972.
Intuitive Machines cho biết công ty này đã chi khoảng 100 triệu USD cho tàu đổ bộ Odysseus, đồng thời nhận được 118 triệu USD từ NASA theo thỏa thuận hợp tác song phương, nhằm đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)