Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 2/3 cho biết Israel đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza, với điều kiện phong trào Hồi giáo Hamas phải đồng ý thả những con tin dễ bị tổn thương.
Trả lời phóng viên, quan chức giấu tên trong chính quyền Biden tiết lộ: “Có 1 thỏa thuận khung. Người Israel ít nhiều đã chấp nhận nó. Ngay bây giờ, quả bóng nằm bên sân của Hamas... Sẽ có lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza bắt đầu từ 2/3 nếu Hamas đồng ý thả các con tin dễ bị tổn thương như người bệnh, người bị thương, người già và phụ nữ".
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận Hamas cho biết một phái đoàn của nhóm này dự kiến sẽ tới Cairo trong ngày 2/3 để đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Theo nguồn tin, lệnh ngừng bắn cũng sẽ cho phép “sự gia tăng đáng kể" viện trợ nhân đạo vào Gaza, sau khi LHQ cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở khu vực.
Cùng ngày, nguồn tin Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp Bộ trưởng nội các thời chiến Israel Benny Gantz tại Nhà Trắng vào ngày 4/3, trong bối cảnh Washington tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và tăng cường viện trợ cho Gaza.
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ xoay quanh các chủ đề bao gồm giảm thương vong cho dân thường Palestine, đảm bảo lệnh ngừng bắn tạm thời, thả con tin bị giữ ở Gaza và tăng viện trợ cho lãnh thổ này. Quan chức này tiết lộ: “Phó Tổng thống sẽ bày tỏ mối quan ngại đối với sự an toàn của 1,5 triệu người ở Rafah”.
Trong khi đó, phía Bộ trưởng Gantz ra tuyên bố xác nhận xác nhận rằng ông sẽ gặp Phó Tổng thống Harris, cũng như với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ của Quốc hội Mỹ. Trước đó, quân đội Mỹ cùng ngày 2/3 đã thực hiện đợt thả viện trợ nhân đạo đầu tiên vào Gaza.
Trước đó, cùng ngày 2/3, các máy bay của quân đội Mỹ đã tiến hành thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza, mở đầu cho đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden.
Theo đó, vào lúc 15 giờ 30 chiều 2/3 (giờ địa phương), 3 máy bay C-130 của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã thả 66 kiện hàng gồm khoảng 38.000 suất ăn xuống Dải Gaza.
Một quan chức Mỹ cho biết các kiện hàng này được thả ở bãi biển phía tây nam Gaza, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của dải đất này.
Đợt thả hàng viện trợ này được thực hiện phối hợp với Lực lượng Không quân Hoàng gia Jordan. Các quốc gia khác như Ai Cập và Pháp cũng đang tiến hành thả hàng viện trợ vào Gaza.
Trước đó, ngày 1/3, Tổng thống Biden thông báo nước này sẽ lần đầu tiên thả hàng cứu trợ xuống Gaza. Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi xảy ra vụ nổ súng khiến ít nhất 100 người Palestine thiệt mạng trong lúc xếp hàng chờ nhận viện trợ ở khu vực phía Bắc Gaza.
Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang trên biển từ CH Cyprus đến Dải Gaza để chuyển hàng viện trợ nhân đạo quốc tế cho người dân chịu ảnh hưởng của xung đột.
Trong thông báo ngày 2/3, người phát ngôn Chính phủ CH Cyprus, Konstantinos Letymbiotis, cho biết nước này đang liên hệ với Mỹ và các nước khác liên quan đến việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza thông qua Cyprus.
Dải Gaza đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, trong khi công tác cứu trợ nhân đạo gặp trở ngại do tình hình xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel.
Theo dữ liệu của LHQ, tổng khối lượng hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza trong tháng 2 đã giảm 50% so với tháng 1. Ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza - tương đương 25% dân số, đang ở bên bờ vực của nạn đói.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)