Các nguồn thạo tin cho biết ngày 26/2, các quan chức Israel đã lên đường tới Qatar để đàm phán về các điều kiện nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và thỏa thuận trả tự do cho các con tin.
Theo nguồn tin, phái đoàn của Israel bao gồm các thành viên trong quân đội và cơ quan tình báo Mossad, chịu trách nhiệm thiết lập một trung tâm để hỗ trợ các cuộc đàm phán.
Tuần trước, tại các cuộc đàm phán với Mỹ, Ai Cập và Qatar ở Paris (Pháp), các quan chức Israel đã thảo luận về điều kiện để đạt được thỏa thuận trả tự do cho các con tin.
Ngày 25/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận các bên đã đạt được hiểu biết chung về dàn ý sơ bộ cho một thỏa thuận tiềm năng về phóng thích các con tin và lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza.
Hiện Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza và Israel vẫn đang bất đồng về các mục tiêu.
Trong khi Hamas tuyên bố sẽ không thả hơn 100 con tin trừ phi Israel cam kết rút khỏi Gaza và chấm dứt xung đột, trong khi Israel tuyên bố sẽ chỉ đàm phán về một lệnh ngừng bắn tạm thời để thả con tin và nước này sẽ không ngừng chiến dịch trên bộ trừ phi giải tán được Hamas và thiết lập kiểm soát an ninh lâu dài tại Dải Gaza.
Theo con số thống kê của Israel, cuộc xung đột đã khiến 1.160 người thiệt mạng tại Israel, trong đó phần lớn là dân thường. Hamas bắt giữ khoảng 250 con tin và hiện còn 130 con tin vẫn đang bị giam giữ tại Gaza.
Trong khi đó, cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết các chiến dịch quân sự của Israel tại đây đã khiến gần 30.000 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp đón Quốc vương Qatar, Tamim bin Hamad al-Thani tại thủ đô Paris trong tuần này. Hai bên dự kiến thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Dải Gaza.
Theo kế hoạch, Quốc vương Al-Thani sẽ đến Paris để hội đàm vào ngày 27/2, đánh dấu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo Qatar tới Pháp trong 15 năm qua.
Văn phòng Tổng thống Macron cho hay hai nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định nỗ lực giải thoát các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ và đạt được thỏa thuận ngừng bắn bền vững cho Dải Gaza.
Trước đó, ngày 26/2, Liên đoàn Ả-rập (AL) và Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) coi việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine là bất hợp pháp.
Trước đó, tại La Haye (Hà Lan), ngày 19/2, ICJ - Tòa án hàng đầu của LHQ - đã mở phiên tòa để đánh giá những hậu quả pháp lý của việc Israel thực thi chính sách và hoạt động chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem.
Israel không cử đại diện tham dự, nhưng gửi văn bản liên quan đến vụ việc. Trong suốt phiên tòa, các thẩm phán ICJ đã lắng nghe trình bày của đại diện hơn 50 quốc gia về vấn đề này.
Trong ngày thứ 6 và cũng là ngày cuối cùng của phiên tòa, Tổng Thư ký AL, ông Ahmed Aboul Gheit kêu gọi ICJ xác nhận hành vi chiếm đóng của Israel là bất hợp pháp và đưa ra phán quyết rõ ràng về hậu quả pháp lý cho tất cả các bên, đặc biệt là những bên đã phớt lờ, hỗ trợ hoặc tham gia bằng bất kỳ hình thức nào vào việc kéo dài tình hình trạng bất hợp pháp này.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Yildiz khẳng định việc chiếm đóng chính là gốc rễ của xung đột trong khu vực. Ông cũng đề cập đến xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Theo ông, những diễn biến sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 đã lần nữa chứng minh rằng sẽ không có hòa bình trong khu vực, nếu không giải quyết tận gốc xung đột Israel - Palestine.
Ông nhấn mạnh hành vi chiếm đóng này là rào cản thực sự đối với hòa bình và hối thúc các thẩm phán tuyên bố đây là hành vi trái phép.
Tuần trước, các đại diện của Palestine đã đề nghị các thẩm phán tuyên bố việc Israel chiếm đóng lãnh thổ của họ là bất hợp pháp, đồng thời cho rằng lập trường này sẽ giúp đạt được giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài nhiều thập kỷ.
Hồi tháng 12/2022, Đại hội đồng LHQ yêu cầu ICJ đưa ra một "ý kiến tham vấn" không mang tính ràng buộc về những "hậu quả pháp lý phát sinh" từ các chính sách mà Israel thực hiện ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem.
Mặc dù mọi ý kiến của ICJ đều sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý, song phiên tòa nói trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép đối với Israel liên quan đến cuộc xung đột với Hamas ở Gaza.
Sau phiên tòa, các thẩm phán ICJ sẽ tiếp tục thảo luận trong khoảng 6 tháng trước khi đưa ra ý kiến tham vấn chính thức.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)