Chủ Nhật, 08/09/2024 06:57 SA
WFP tạm thời ngừng hoạt động nhân đạo tại Gaza
Thứ Tư, 21/02/2024 11:40 SA

Người dân Palestine nhận lương thực viện trợ nhân đạo tại trại tị nạn ở Rafah, miền Nam Dải Gaza, giáp giới với Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/2, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo đã tạm dừng phân bổ hàng viện trợ đến phía Bắc Gaza sau khi một đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của cơ quan này đối mặt với tình trạng cướp bóc và giao tranh.

 

Thông báo của WFP nêu rõ cơ quan này đã nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo tại Gaza vào ngày 18/2 vừa qua sau 3 tuần đình chỉ. Tuy nhiên, hiện tại WFP gặp nhiều khó khăn trong việc phân phát hàng viện trợ do trật tự dân sự tại vùng lãnh thổ này bị phá vỡ.

 

Trong ngày 17/2, đoàn xe cứu trợ của WFP đã chứng kiến nhiều người dân tại Gaza tìm cách trèo lên xe để lấy lương thực, thậm chí các nhân viên còn đối mặt với giao tranh khi tiến gần thành phố Gaza.

 

Riêng trong ngày 18/2, một số xe chở hàng viện trợ của đoàn xe thứ hai tới miền Bắc Gaza đã bị cướp bóc, tài xế xe tải bị hành hung. Số bột mỳ còn lại của đoàn xe này đã được phân phát tại thành phố Gaza.

 

WFP nêu rõ cơ quan này buộc phải tạm ngừng hoạt động viện trợ nhân đạo cho đến khi tình hình an ninh được đảm bảo, đồng thời khẳng định việc đưa ra quyết định này rất khó khăn bởi tình hình tại Gaza đang xấu đi và nhiều người có nguy cơ chết đói.

 

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã chuyển 32 bệnh nhân ra khỏi bệnh viện Nasser ở phía Nam Gaza, đồng thời lo ngại sự an toàn của các bệnh nhân và bác sĩ còn ở bên trong cơ sở y tế này. Động thái này diễn ra sau khi quân đội Israel tiến hành bao vây và lục soát bệnh viện này.

 

Nhân viên WHO cho biết cảnh tượng xung quanh bệnh viện Nasser ở TP Khan Yunis là "không thể diễn tả được", đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan bên trong bệnh viện do điều kiện xuống cấp.

 

Theo WHO, bệnh viện Nasser không có điện, nước sinh hoạt, trong khi rác thải và chất thải y tế là nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Bệnh viện Nasser là cơ sở quan trọng trong hệ thống y tế ở phía Nam Dải Gaza.

 

Sau khi bị từ chối tiếp cận vào ngày 16/2 và 17/2 vừa qua, WHO cho hay đã thực hiện 2 sứ mệnh để chuyển 32 bệnh nhân nặng, gồm 2 trẻ em, ra khỏi bệnh viện Nasser vào ngày 18/2 và 19/2.

 

Trong sứ mệnh này, các nhân viên WHO đã mang theo và cung cấp một lượng nhỏ thuốc và thực phẩm thiết yếu cho các bệnh nhân và nhân viên còn lại. WHO nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của Khu liên hợp y tế Nasser là đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế của Gaza.

 

Cơ quan y tế của LHQ ước tính còn khoảng 130 bệnh nhân ốm nặng và bị thương cùng ít nhất 15 y bác sĩ vẫn còn bên trong bệnh viện Nasser.

 

Liên quan đến tình hình thực địa, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn tài liệu của Quân đội Israel (IDF) cho biết tổng cộng từ đầu cuộc xung đột tại Dải Gaza nổ ra từ tháng 10 năm ngoái, IDF đã tấn công vào 31.000 mục tiêu, bao gồm 29.000 mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hamas, 1.100 mục tiêu của phong trào Hezbollah tại Libăng và một số mục tiêu của các lực lượng vũ trang của người Palestine ở Bờ Tây.

 

Theo phóng viên TTXVN tại New York, sáng 20/2, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết về tình hình xung đột tại Gaza. Dự thảo nghị quyết nhận được 13 phiếu thuận, 1 phiếu chống (Mỹ) và 1 phiếu trắng (Anh). Do phản đối của Mỹ, nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, nên dự thảo đã không được thông qua.

 

Dự thảo nghị quyết do Algeria đệ trình đề cập đến một số điểm chính: Thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo tức thời và tất cả các bên phải có nghĩa vụ tuân thủ; phóng thích tức thời, vô điều kiện con tin còn bị giam giữ; phản đối mọi hành động di dân cưỡng bức đối với dân thường Palestines; mở cửa để hàng nhân đạo vào Gaza không bị ngăn cản; yêu cầu tất cả các bên tuân thủ mọi nghĩa vụ về luật pháp quốc tế, nhất là luật nhân đạo quốc tế trong bảo vệ dân thường và mục tiêu dân sự.

 

Lý giải cho quyết định bỏ phiếu chống, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết dự thảo không đưa đến nền hòa bình bền vững, kéo dài thời gian giam giữ đối với con tin và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo.

 

Bà cũng cho biết Mỹ cùng với các đối tác tại khu vực như Ai Cập, Qatar đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận con tin. Việc bỏ phiếu thông qua dự thảo mà Algeria đệ trình sẽ hủy hoại những nỗ lực ngoại giao này.

 

Đáng chú ý, trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu, bà Thomas-Greenfield giới thiệu một dự thảo nghị quyết khác do Mỹ soạn thảo, trong đó có điều khoản về “ngừng bắn tạm thời” ở Gaza, đồng thời cảnh báo Israel không nên tấn công quân sự nhằm vào Rafah ở thời điểm hiện nay.

 

Đây là lần đầu tiên Mỹ đề xuất khái niệm “ngừng bắn” liên quan đến xung đột Israel - Hamas kéo dài 5 tháng qua.

 

Đại diện các nước Hội đồng bảo an cũng bày tỏ quan điểm về kết quả bỏ phiếu. Đại sứ - Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun nhìn nhận việc Mỹ phủ quyết dự thảo là thông điệp sai lệch, đẩy Gaza tới khủng hoảng trầm trọng hơn ở thời điểm người dân Palestines đang ở vào tình khốn cùng.

 

Đại sứ - Trưởng phái đoàn Nga tại LHQ Vassily Nebenzia chỉ trích quyết định của Mỹ, nhấn mạnh dự thảo mà Mỹ đề xuất không thể thay thế các giải pháp được đưa ra trong dự thảo của Algeria, vì thiếu điểm mấu chốt nhất là ngừng bắn lâu dài.

 

Trong diễn biến khác, ngày 19/2, thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hamas, ông Ismail Haniyeh đã đến Cairo (Ai Cập) để đàm phán với các quan chức Ai Cập, vài ngày sau khi các nhà hòa giải cho biết triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới với Israel đã mờ nhạt.

 

Tuyên bố của Hamas cho biết ông Haniyeh sẽ thảo luận với các quan chức Ai Cập về tình hình chính trị và diễn biến trên thực địa, cũng như "những nỗ lực nhằm ngăn chặn tấn công, cung cấp hàng cứu trợ và đạt các mục tiêu của người Palestine".

 

Bất chấp hàng loạt cuộc gặp với các nhà đàm phán của Israel và của Hamas trong tuần trước, các nhà trung gian hòa giải Ai Cập, Qatar và Mỹ vẫn chưa đạt được tiến triển nào trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 tháng qua.

 

Ngày 19/2, một liên minh các nước Ả-rập đã hối thúc Hội đồng Bảo an lập tức hành động để chấm dứt xung đột tại Gaza. Nhóm Ả-rập cũng nhấn mạnh tất cả các bên cần nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này của Palestine.

 

26 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi tạm ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo, dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững ở Dải Gaza.

 

Trong khi đó, điều phối viên cấp cao của LHQ về hoạt động nhân đạo ở Gaza, bà Sigrid Kaag cảnh báo hậu quả tồi tệ nếu Israel mở rộng chiến dịch quân sự ở Rafah theo kế hoạch.

 

Báo cáo của Văn phòng điều Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 19/2 cho biết Israel duy trì các đợt tấn công cường độ cao cả bằng đường bộ, đường không và đường biển nhằm vào Gaza.

 

Theo OCHA, giao tranh giữa quân đội Israel và các nhóm vũ trang người Palestine ở Gaza diễn ra ác liệt trên diện rộng, đặc biệt là ở Khan Younis và Deir al Balah.

 

Từ ngày 17-19/2, các nhóm vũ trang người Palestine cũng phóng hàng chục quả rocket vào lãnh thổ Israel. Theo thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái, phía Israel có 1.160 người thiệt mạng, trong khi tại Gaza có hơn 29.100 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek