Ngày 13/2, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức phiên thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và các yếu tố gây ra nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, đại diện gần 90 quốc gia thành viên LHQ đã tham gia thảo luận theo đề xuất của Guyana - nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 2.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Tổng thư ký LHQ António Guterres đánh giá chiến tranh và bất ổn khí hậu nằm trong số những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng.
Ông Guterres khẳng định bất ổn khí hậu, khủng hoảng lương thực đang thật sự nghiêm trọng và trở thành mối đe dọa chính đối với hòa bình và an ninh thế giới. Người đứng đầu LHQ kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế hành động ngay để ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực.
Theo LHQ, thảm họa khí hậu đang khiến khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn tại nhiều nơi trên thế giới và trong số14 quốc gia có nguy cơ cao nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu thì 13 nước đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo và an ninh lương thực.
Phát biểu tại cuộc họp, Thư ký Điều hành Hội nghị khung của LHQ về biến đổi khí hậu Simon Stiell cho rằng Hội đồng Bảo an nên yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật thường kỳ về các mối đe dọa an ninh khí hậu, và mọi quốc gia thành viên cần phải thực hiện kế hoạch hành động khí hậu quốc gia để bảo vệ người dân, sinh kế và môi trường tự nhiên.
Cũng theo ông Stiell, các nước cần có nguồn tài chính để thích ứng, nhất là các nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương trước những biến cố về khí hậu. Số tiền này khoảng 2,4 nghìn tỉ USD mỗi năm để các nước xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Beth Bechdol cho biết hiện đang có khoảng 258 triệu người tại 58 quốc gia phải đối mặt với tình hình mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó 70% là vì bất ổn khí hậu và xung đột.
Tổng thư ký LHQ Guterres kết luận các nước cần phải khẩn trương hành động, tạo điều kiện để giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình, trong phạm vi quốc gia cũng như giữa các nước, đồng thời đầu tư nhiều hơn để tạo ra các hệ thống lương thực lành mạnh, công bằng và bền vững theo hướng "nuôi dưỡng mà không hủy hoại hành tinh".
Theo TTXVN/Vietnam+