Ngày 26/1, Venezuela đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel phải thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn chặn các hành động diệt chủng tại Dải Gaza.
Trong tuyên bố, Chính phủ Venezuela nêu rõ phán quyết của ICJ có lợi cho người dân Palestine.
Tuy nhiên, Caracas cũng bày tỏ tiếc nuối khi ICJ chưa yêu cầu các bên liên quan phải “ngừng bắn ngay lập tức” và chưa lên án “các hình thức thù địch vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người dân Palestine".
Cũng trong tuyên bố, Venezuela một lần nữa phản đối tình trạng “bạo lực thường trực ở Dải Gaza", đồng thời nhấn mạnh hòa bình là “lựa chọn duy nhất để nhân loại cùng chung sống với nhau".
Cùng ngày, Đức tuyên bố sẽ tôn trọng phán quyết của ICJ theo yêu cầu của Nam Phi về việc áp đặt các biện pháp khẩn cấp đối với Israel liên quan đến các hoạt động quân sự ở Dải Gaza. Phát ngôn viên Chính phủ Đức nói rõ phán quyết của ICJ sẽ tạo cơ sở cho các can thiệp khẩn cấp khi cần thiết.
Cũng trong ngày 26/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định nước này cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế. Cam kết trên được Thủ tướng Netanyahu đưa ra trong một tuyên bố qua video thực hiện sau khi ICJ cùng ngày ra phán quyết yêu cầu Israel thực thi mọi biện pháp ngăn chặn các hành động diệt chủng tại Dải Gaza.
Trong tuyên bố, ông Netanyahu cũng khẳng định Israel sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và đảm bảo an toàn cho dân thường tại Gaza. Phán quyết của ICJ yêu cầu Israel đảm bảo không vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước LHQ về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng liên quan đến người Palestine tại Dải Gaza.
Phán quyết cũng kêu gọi Israel khẩn trương có những bước đi nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại dải đất ven biển này. Chủ tọa phiên tòa Joan Donoghue đề nghị Israel báo cáo về việc thực thi phán quyết này của tòa trong vòng một tháng.
Phán quyết trên được đưa ra sau khi Nam Phi vào tháng 12/2023 đã đệ đơn lên ICJ kiện Israel vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước LHQ về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng liên quan đến người Palestine tại Dải Gaza.
Sau khi ICJ ra phán quyết trên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bày tỏ hy vọng Israel sẽ tuân thủ phán quyết. Trong bài phát biểu ngắn gọn sau phán quyết của ICJ, Tổng thống Ramaphosa đánh giá phán quyết này là bước quan trọng đầu tiên đối với nỗ lực của Nam Phi nhằm đảm bảo công lý cho người dân Gaza. Ông hy vọng điều này sẽ mở đường cho việc kết thúc cuộc khủng hoảng tại đây.
Phán quyết của ICJ đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết. Trên mạng xã hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng phán quyết của ICJ sẽ giúp ngăn chặn thương vong trong dân thường tại Dải Gaza. Ông khẳng định Ankara sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn và hướng đến một nền hòa bình lâu dài tại Gaza.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định tiếp tục ủng hộ các giải pháp hòa bình, chấm dứt giao tranh, trao trả con tin, tăng cường viện trợ nhân đạo tại Gaza, đồng thời thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel trên cơ sở biên giới trước năm 1967. Từ Brussels, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố kêu gọi Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza ngay lập tức tuân thủ đầy đủ phán quyết của ICJ.
Trước đó cùng ngày, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel thực thi mọi biện pháp trong quyền hạn của nước này nhằm ngăn chặn các hành động diệt chủng tại Dải Gaza.
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Palestine, Riyad al-Maliki, đã hoan nghênh phán quyết của ICJ, đồng thời kêu gọi tất cả các nước đảm bảo rằng những biện pháp mà ICJ phán quyết cần phải được thực thi.
ICJ là tòa án hàng đầu trực thuộc LHQ và các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, ICJ không có công cụ thực thi các phán quyết của mình.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)