Nhà virus học nổi tiếng của Thái Lan, Giáo sư Yong Poovorawan ngày 11/1 cho biết biến thể JN.1 của virus SARS-CoV-2 đang là biến thể phổ biến tại nước này. Biến thể này có khả năng lây truyền cao nhưng lại có triệu chứng nhẹ.
Trên trang Facebook cá nhân, Giáo sư Yong, hiện đứng đầu Trung tâm chuyên ngành về Virus học lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn, cho biết biến thể JN.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ và dự kiến sẽ thay thế tất cả các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 vì khả năng lây lan rất dễ dàng.
Theo ông, những người nhiễm chủng JN.1 sẽ không có triệu chứng nghiêm trọng. Một số người chỉ bị cảm lạnh và đau họng, giống như các bệnh về đường hô hấp thông thường. Tuy vậy, do chủng JN.1 có khả năng lây truyền cao và có thể lây nhiễm nhiều lần nên số ca mắc COVID-19 dự kiến sẽ tăng cao, đặc biệt là sau kỳ nghỉ năm mới.
Giáo sư Yong cũng dự đoán số ca nhiễm JN.1 sẽ bắt đầu giảm vào tháng 2 và giảm dần cho đến khi mùa lây lan tiếp theo bắt đầu vào tháng 6.
Trong khi đó, TS Thongchai Keeratihattayakorn, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho biết COVID-19 vẫn cần được theo dõi chặt chẽ vì biến đổi liên tục.
TS Thongchai cảnh báo mặc dù hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch và các triệu chứng ở mức độ nhẹ, nhưng những người dễ bị tổn thương nên đề phòng, đặc biệt là người già, phụ nữ mang thai và những người bị tăng huyết áp, suy thận mãn tính, béo phì và ung thư.
Năm ngoái, tại Thái Lan có 652.868 ca mắc COVID-19, với 848 ca tử vong liên quan đến căn bệnh này. Ông Thongchai dự báo sẽ số ca mắc COVID-19 năm nay tại Thái Lan cũng tương đương mức năm ngoái.
* Phóng viên TTXVN tại Geneva vừa dẫn thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 10.000 ca tử vong vì dịch COVID-19 đã được ghi nhận trong tháng cuối cùng của năm 2023.
Trong thông báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau chứng tỏ khả năng lây truyền của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng trong tháng 12/2023 và được thúc đẩy bởi những sự kiện trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, cũng như do JN.1 hiện là biến thể được báo cáo phổ biến nhất trên toàn cầu.
Ông Tedros cảnh báo: “Mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, nhưng loại virus này vẫn lây lan, biến đổi và gây ra nhiều thương vong”.
Bên cạnh gần 10.000 trường hợp tử vong được báo cáo cho WHO trong tháng trước, số ca nhập viện đã tăng 42% và số bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt cũng tăng 62% so với tháng 11.
Tuy nhiên, theo ông Tedros, những con số thống kê này chỉ dựa trên dữ liệu được ghi nhận ở chưa tới 50 quốc gia, chủ yếu thuộc châu Âu và châu Mỹ. Tổng Giám đốc WHO đánh giá: “Chắc chắn cũng có chiều hướng gia tăng ở những nước khác mà không được báo cáo.
Giống như các chính phủ và cá nhân thực hiện những biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh khác, tất cả chúng ta đều phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống dịch COVID-19. Mặc dù 10.000 ca tử vong mỗi tháng là ít hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng đây là con số có thể giảm nhẹ nếu chúng ta có sự phòng ngừa.
Do vậy, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các cá nhân tiêm chủng, xét nghiệm, đeo khẩu trang khi cần thiết và đảm bảo không gian trong nhà được thông gió tốt”.
Tháng 5/2023, Tổng Giám đốc WHO chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trước đó, ngày 30/1/2020, WHO đã đưa ra cảnh báo COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này đối với một căn bệnh truyền nhiễm.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)