Bộ trưởng tài chính 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 đã đạt thỏa thuận về việc cải cách các quy định tài chính trong khuôn khổ Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của EU theo đề xuất của Đức và Pháp nhằm hạn chế nợ và thâm hụt trong chi tiêu của các nước thành viên.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đây là lần cải cách thứ 4 đối với các quy tắc tài chính trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của EU, được đưa ra để củng cố giá trị của đồng tiền chung châu Âu - euro, bằng cách hạn chế vay mượn của chính phủ nhằm ngăn chặn những khó khăn về nợ quốc gia và gây áp lực lên đồng euro, như những gì đã trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag bày tỏ vui mừng vì sau một thời gian dài thảo luận và đàm phán, 27 nước thành viên đã đạt được thỏa thuận về các quy định tài chính của EU, theo đó đặt ra mức thâm hụt trung bình và giảm nợ tối thiểu mà mỗi chính phủ phải tuân thủ để đáp ứng chính sách tiết kiệm chung. Mặc dù vậy, các quy định mới vẫn được cho là “dễ thở” hơn so với khuôn khổ trước đó.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder, trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter), khẳng định rằng các quy định tài chính mới vừa thực tế hơn vừa hiệu quả hơn.
Ông viết: “Cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư và cải cách cơ cấu, các quy định mới này thể hiện rõ ràng những con số về mức thâm hụt thấp hơn cũng tỉ lệ nợ giảm”.
Thỏa thuận giữa 27 quốc gia EU được đưa ra sẽ không tác động đến chính sách tài chính của các nước thành viên trong năm 2024 bởi ngân sách quốc gia cho năm tới đều đã được quyết định trên cơ sở hướng dẫn được thống nhất trước đó vào năm 2023.
Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được đưa ra nhằm tạo ra một số tiêu chuẩn chung về chính sách tài khóa của mỗi nước trong EU. Điều này cũng được coi là cần thiết vì các thành viên trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có chung tiền tệ và ngân hàng trung ương nên họ có chính sách tiền tệ thống nhất.
Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của EU đặt ra quy định hạn chế thâm hụt ngân sách hàng năm của chính phủ không vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công dưới 60% GDP. Theo những nội dung cải cách, các mục tiêu trên sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng cách thức đạt được những mục tiêu này sẽ thay đổi.
Hiện nợ công của hầu hết các nước thành viên EU, bao gồm cả Đức, đang vượt xa mục tiêu 60% GDP sau khi chi tiêu mạnh tay trong đại dịch COVID-19.
Áp lực này trong vài năm gần đây, càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến hầu hết các thành viên đều vi phạm các mục tiêu của chính mình và thúc đẩy kêu gọi cải cách nhằm đặt ra “lộ trình thực tế hơn” để quay trở lại các tiêu chuẩn mong muốn.
Theo TTXVN/Vietnam+