* Trung Quốc áp dụng AI vào hiện đại hóa hệ thống giao thông đường thủy
Khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm ngoái, một số trường trung học đã nhanh chóng xây dựng các chính sách nghiêm ngặt để cấm học sinh sử dụng công cụ chatbot AI mạnh mẽ vì lo ngại gian lận trong bài tập.
Nhưng giờ đây, một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy tỉ lệ học sinh trung học gian lận vẫn không thay đổi về mặt thống kê so với những năm trước, khi chưa có ChatGPT.
Theo CNN, Stanford thực hiện một cuộc khảo sát ẩn danh với các sinh viên tại 40 trường trung học ở Mỹ và kết quả cho thấy có khoảng 60-70% sinh viên có hành vi gian lận trong tháng trước. Con số này không thay đổi, thậm chí còn giảm nhẹ kể từ khi ChatGPT ra mắt - theo các nhà nghiên cứu.
Vào tháng 11/2022, ChatGPT do OpenAI phát triển đã trở nên nổi tiếng nhờ khả năng đưa ra các câu trả lời và “viết” những bài luận đầy thuyết phục theo gợi ý của người dùng chỉ trong vài giây.
ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự đã thu hút nhiều sự chú ý, tuy nhiên công nghệ này cũng gây ra một số lo ngại về thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho việc đạo văn.
“Mặc dù có những trường hợp đáng báo động liên quan việc AI được sử dụng để gian lận, có rất ít bằng chứng cho thấy sự thay đổi rõ rệt đối với học sinh trung học nói chung”, Victor Lee, Trưởng Khoa AI và Giáo dục của Stanford, người hỗ trợ giám sát cuộc khảo sát, cho hay.
Trung tâm Nghiên cứu Pew gần đây báo cáo chỉ có 19% thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi sử dụng ChatGPT để làm bài tập ở trường, và chỉ có 2/3 thanh thiếu niên biết đến nền tảng này. Số lượng sinh viên truy cập ChatGPT có thể thay đổi trong tương lai khi họ tìm hiểu thêm về công nghệ - theo chuyên gia Lee.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các sinh viên tin rằng ChatGPT nên được phép sử dụng cho các mục đích “bắt đầu” với bài tập, chẳng hạn như yêu cầu công cụ này tạo ra các khái niệm hoặc ý tưởng mới cho bài tập. Tuy nhiên, hầu hết những người được hỏi đều đồng ý rằng không nên sử dụng ChatGPT để viết bài.
“Điều đó cho thấy phần lớn các sinh viên đều thực sự muốn học tập và chỉ coi AI như một công cụ trợ giúp, chứ không phải ‘nhờ’ AI ‘đi học hộ’ hoặc giúp tiết kiệm thời gian khi họ hoàn thành bài tập”, Denise Pope, giảng viên cao cấp tại Trường Sư phạm Sau Đại học của Stanford, cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, một số lý do chính khiến sinh viên gian lận bao gồm việc gặp khó khăn trong việc nắm bắt tài liệu môn học, thiếu thời gian để làm bài tập về nhà và áp lực phải thể hiện năng lực tốt.
“Mới chỉ hơn một năm từ khi ChatGPT thu hút sự chú ý của công chúng, vì vậy chúng ta nên mong đợi một số thay đổi theo thời gian trong trường học, công việc và cuộc sống hằng ngày”, chuyên gia Lee nói.
Pope cho biết các nhà giáo dục nên cân nhắc việc mời học sinh thảo luận về chủ đề AI và gian lận, bàn về những gì họ nên học ở trường khi AI tiếp tục xuất hiện. Cô nói: “Điều đó cho phép tất cả chúng ta thảo luận về vai trò của trường học trong tương lai, trong một thế giới mà AI có mặt ở khắp mọi nơi”.
Chính quyền Trung Quốc đang đặt kỳ vọng vào công nghệ kỹ thuật số để hiện đại hóa hệ thống vận tải đường thủy, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong vận tải biển bằng cách cải thiện hiệu quả và tính bền vững của hệ thống hạ tầng, cảng biển.
* Theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc công bố trên trang web chính thức của bộ này vào đầu tháng 12, Trung Quốc có ý định triển khai các công nghệ thông minh như 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) trên tất cả các cảng và đường thủy chính vào năm 2027.
Để cải thiện tính năng, hiệu quả tại các cảng biển của nước này, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các bến container tiến hành đẩy mạnh tự động hóa quy trình làm việc bằng cách sử dụng các công nghệ như xe tự hành, xe container không người lái và cơ sở hạ tầng điều khiển từ xa.
Các nhà chức trách cũng đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kỹ thuật số cho các tuyến đường thủy nội địa chất lượng cao cũng như các bến cảng tại các cảng lớn ven biển như Thượng Hải, Đại Liên và Thiên Tân.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết sẽ khuyến khích sử dụng công nghệ thông minh trong hoạt động bảo trì và vận chuyển.
Ví dụ, máy bay không người lái và tàu không có nhân viên có thể tuần tra đường thủy, trong khi hệ thống thông tin địa lý và Internet vạn vật (IoT) có thể giúp số hóa các bến cảng.
Các cảng và đường thủy dự kiến sẽ sử dụng nhiều nguồn năng lượng và thiết bị mới hơn trong quá trình phát triển.
Dong Yang, Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong, chuyên về vận tải biển và hậu cần, cho biết: “So với đường bộ và đường sắt, vận tải đường thủy có chi phí thấp hơn, ít ô nhiễm hơn, ít tắc nghẽn giao thông và an toàn hơn. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển (ngành vận tải biển) và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện khả năng ra quyết định là một bước tiến cần thiết”.
Bắc Kinh đang ngày càng chuyển sang các công nghệ tiên tiến như AI để đạt hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau như chất bán dẫn, lĩnh vực mà nước này đang chịu áp lực chuyển đổi sang chuỗi cung ứng có giá trị cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh từ các nước đang phát triển như Mexico và Ấn Độ.
Việc Trung Quốc sử dụng mạng lưới đường thủy rộng lớn đã giúp phát triển nền kinh tế của nước này trong vài thập kỷ qua, dẫn đến sự nổi lên của các khu vực như đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang.
Nỗ lực tối ưu hóa hệ thống vận tải đường thủy của Bắc Kinh cũng có thể giúp giảm sự phụ thuộc của nước này vào vận tải đường bộ, vốn vận chuyển gần 3/4 khối lượng hàng hóa của cả nước vào năm 2022, so với đường thủy chiếm 16,9%.
Theo Diễn đàn Vận tải Quốc tế, vận tải hàng hóa đường bộ có thể tạo ra lượng khí thải carbon dioxide gấp 100 lần so với vận tải đường thủy, với cùng một loại hàng hóa và quãng đường di chuyển.
Yang, người đã nghiên cứu sự phát triển của hệ sinh thái cảng, cho biết: “Việc sử dụng công nghệ thông minh hiện là xu hướng trong ngành vận tải biển vì nó có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của vận tải đường thủy và thân thiện hơn với môi trường”.
Trung Quốc đã tập trung phát triển nhiều hơn vào đường thủy kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải nước này công bố Kế hoạch 5 năm về vận tải đường thủy lần thứ 14 vào năm 2019, trong đó nhấn mạnh đến số hóa và tính bền vững.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, chỉ số đầu tư tài sản cố định (FAI) của nước này vào vận tải đường thủy đã tăng trung bình 12,5% hàng năm trong vòng ba năm qua.
Trong 10 tháng đầu năm nay, FAI tổng hợp trong mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy của Trung Quốc đạt 2.570 tỉ Nhân dân tệ (361,4 tỉ USD), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu chính thức, FAI trên đường bộ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó ở đường thủy tăng 25,8%.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)