Các cơ quan viện trợ nhân đạo cho biết người dân Palestine ở Dải Gaza đang đối mặt với nạn đói ngày càng trầm trọng.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết một nửa dân số Gaza đang chết đói. Trong khi đó, Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng cảnh báo: "Nạn đói đang rình rập tất cả mọi người dân".
Theo các quan chức LHQ, có tới 1,9 triệu người, tương đương 85% dân số Gaza, đã phải di dời, trong khi các điều kiện ở các khu vực phía Nam, nơi họ chuyển đến, hiện không khác gì “địa ngục”. Người dân Gaza cho biết những người bị buộc phải sơ tán liên tục đang chết vì đói và lạnh, cũng như vì giao tranh.
Trong bối cảnh trên, trong ngày 12/12, Đại Hội đồng LHQ dự kiến thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại Gaza, sau khi Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các nghị quyết của Đại Hội đồng không mang tính ràng buộc, song có sức nặng chính trị và phản ánh quan điểm toàn cầu. Một số nhà ngoại giao và quan sát viên dự đoán cuộc bỏ phiếu sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn lời kêu gọi hồi tháng 10 của Đại Hội đồng về “một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững”.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 11/12, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell cảnh báo tình hình tại Dải Gaza “đang ở mức thảm họa”, mức độ phá hủy “thậm chí còn lớn hơn” những gì nước Đức đã trải qua trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng EU, ông Borrell cho biết phản ứng quân sự của Israel sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas ngày 7/10 đã dẫn tới “số dân thường thương vong vô cùng lớn”.
Quan chức của EU cũng nhấn mạnh rằng phản ứng quân sự của Israel là không cân xứng xét về số dân thường thương vong và những thiệt hại cơ sở hạ tầng và tài sản dân sự ở Gaza. Ông nhấn mạnh: “Những nỗi đau về người đang đặt ra một thách thức chưa từng thấy đối với cộng đồng quốc tế. Dân thường chiếm 60-70% tổng số người thiệt mạng, trong khi 85% dân số tại Gaza phải đi sơ tán”.
Ông Borrell so sánh: “Cơ sở hạ tầng bị phá hủy tại Gaza… lớn hơn những gì mà các thành phố ở Đức phải chịu đựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. Quan chức EU cũng cảnh báo “bạo lực của người định cư cực đoan tại Bờ Tây” cũng đáng báo động.
EU phản đối quyết định của Chính phủ Israel phê chuẩn thêm 1.700 đơn vị nhà ở tại Jerusalem, hành động mà EU khẳng định là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Borrell cho biết đã trình một tài liệu thảo luận lên Hội nghị Ngoại trưởng EU nhằm “áp đặt trừng phạt người định cư cực đoan tại Bờ Tây”, những người đã tấn công cư dân người Palestine tại đây.
Ông cũng sẽ sớm đưa ra đề xuất chính thức dựa trên một sáng kiến của Mỹ từ chối cấp thị thực cho những người định cư Do Thái cực đoan. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vấn đề này chưa nhận được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên EU.
Cùng ngày, lãnh đạo 4 nước EU là Bỉ, Ireland, Tây Ban Nha và Malta đã gửi một bức thư lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi khối nhất trí một quan điểm cứng rắn kèm theo trừng phạt nhằm tránh leo thang bạo lực tại Bờ Tây.
Bức thư đề ngày 8/12 nêu rõ: “Chúng ta phải tránh leo thang căng thẳng tại Bờ Tây. Để được vậy, chúng tôi đề xuất áp đặt lệnh cấm đi lại có mục tiêu, phong tỏa tài sản đối với những người định cư bạo lực đã tấn công người Palestine hoặc đánh đuổi người Palestine”.
Nhấn mạnh “số thương vong, mức độ phá hủy và tình hình nhân đạo tồi tệ” tại Gaza, bức thư kêu gọi EU cần có một quan điểm rõ ràng và cứng rắn trong việc này. Bên cạnh việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản, các nhà lãnh đạo 4 nước trên cũng kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo kéo dài” để chấm dứt thù địch, cho phép các cơ quan nhân đạo của LHQ thực hiện nhiệm vụ mà không bị cản trở, và khôi phục cơ sở hạ tầng tại Gaza.
Thư cũng kêu gọi cần mở lại cửa khẩu Karem Shalom để cho phép thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu vào Gaza. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo 4 nước trên nhấn mạnh số thương vong tại Gaza đã đến mức “không thể chịu nổi” và kêu gọi “cần khẩn cấp” một tiến trình chính trị để thực hiện giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và Palestine.
Cùng ngày, Quốc vương Abdullah II của Jordan tái khẳng định Jordan tiếp tục ủng hộ sự kiên định của người dân Palestine trên vùng đất của họ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh và thống nhất các nỗ lực của Arab nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, giải quyết vấn đề Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước và thực hiện các quyền hợp pháp của người Palestine.
Quốc vương Abdullah tái khẳng định rằng Bờ Tây và Gaza phải là một phần của nhà nước Palestine tương lai, đồng thời cho biết Jordan bác bỏ mọi nỗ lực nhằm tách rời hai vùng đất này.
Ông cũng nói thêm Jordan sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho người Palestine, bao gồm các dịch vụ y tế thông qua hai bệnh viện quân sự ở Gaza và một bệnh viện khác ở Nablus, bên cạnh hai trạm y tế ở Ramallah và Jenin.
Trong diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant tuyên bố nước này sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn bên nào sẽ kiểm soát Dải Gaza sau xung đột, miễn đó không phải là lực lượng thù địch với Israel. Tuy nhiên, ông Gallant nhấn mạnh xung đột tại Gaza sẽ chỉ kết thúc khi Israel đạt được các mục tiêu của mình.
Cũng theo Bộ trưởng Israel, nước này sẵn sàng đạt được thỏa thuận với lực lượng Hezbollah ở Libăng, với điều kiện thỏa thuận đó sẽ bao gồm việc thiết lập vùng an toàn dọc biên giới và những đảm bảo thích hợp.
Phía Israel cũng lập luận rằng việc hướng dẫn người dân Gaza sơ tán xuống phía Nam chính là để bảo vệ dân thường khi quân đội thực hiện các chiến dịch quân sự tại phía Bắc Gaza.
Cùng ngày 11/12 (theo giờ địa phương), một cuộc tổng đình công đã diễn ra ở các vùng lãnh thổ của Palestine tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, nhằm phản đối cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza, đang làm tê liệt cuộc sống ở đây.
Các cửa hàng, trường học và văn phòng chính quyền đóng cửa, trong khi giao thông giữa các thành phố và làng mạc của người Palestine cũng ngừng hoạt động. Nhiều ngày qua, với hashtag "Đình công vì Gaza", người dùng mạng xã hội đã kêu gọi tổng đình công nhằm kêu gọi chấm dứt xung đột Hamas - Israel ở Gaza.
Các nhà hoạt động kêu gọi các doanh nghiệp, công chức viên chức và giáo viên... đình công trong cả ngày để bày tỏ tình đoàn kết với Dải Gaza.
Phát biểu với báo giới, ông Wassel Abu Youssef, thành viên Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho biết cuộc đình công muốn gửi một thông điệp tới cộng đồng quốc tế, yêu cầu trách nhiệm giải trình về việc cưỡng bức di dời và phạm tội ác đối với trẻ em, phụ nữ và người già ở Gaza.
Hưởng ứng lời kêu gọi đình công, tại Libăng, các cơ quan công quyền, ngân hàng, trường học cũng đóng cửa sau khi chính phủ quyết định đình công toàn quốc để ủng hộ Gaza và các khu vực biên giới ở phía Nam Libăng, nơi cũng đang chứng kiến giao tranh ngày càng gia tăng giữa Israel và phong trào Hezbollah.
Tại Jordan, các cửa hàng và nhà hàng ở thủ đô Amman, và các thành phố Zarqa (Đông Bắc) và Irbid (miền Bắc) đều đóng cửa. Những con đường vốn đông đúc nay đã vắng tanh. Các doanh nghiệp đóng cửa hàng và dán các khẩu hiệu như "Tôi đình công vì Gaza" và "Ngừng bắn ở Gaza".
Đình công cũng diễn ra ở quận Esenyurt, phía Tây TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu của cư dân từ các vùng lãnh thổ Palestine, Syria, Yemen và Iran.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)