* Làm thế nào để thoát khỏi những cơn “sâu tai” luẩn quẩn trong tâm trí bạn?
Bạn có thường xuyên nghe một bản nhạc buồn rất nhiều lần mặc dù đang cảm thấy vui? Nhiều người trong chúng ta đã rất nhiều lần trải qua cảm giác như vậy, bởi âm nhạc có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến cảm xúc của mỗi người. Dưới đây là một số lý do được nghiên cứu chứng minh rằng tại sao chúng ta lại thích nghe nhạc buồn:
Nhạc buồn khiến chúng ta cảm thấy bình yên
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One cho thấy việc nghe những giai điệu buồn thực sự tạo ra những cảm xúc tích cực như sự yên bình cho người nghe.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người nghe nhạc buồn dễ đồng cảm vì họ kết nối được với nỗi buồn của nghệ sỹ. Điều này cũng có thể giải thích tại sao chúng ta lại có xu hướng nghe nhạc buồn sau khi chia tay.
Nhạc buồn cũng có thể giải phóng hormones trong não, giúp chúng ta dễ dàng đối mặt với những chuyện không vui
Âm nhạc được biết đến là dây dẫn truyền dopamine, tạo ra cảm giác hạnh phúc. Điều này có thể xảy ra dù là nhạc vui hay nhạc buồn. Một số chuyên gia lý giải rằng nhạc buồn có thể kích thích một hormone được gọi là prolactin, đặc biệt liên quan đến việc giảm nhẹ nỗi đau.
Theo Science Alert: “Cơ thể đang tự chuẩn bị để thích nghi với sự kiện đau thương và khi sự kiện đó không xảy ra, cơ thể chỉ còn lại một hỗn hợp dễ chịu của opiates”.
Nhạc buồn khiến chúng ta dễ khóc và điều này mang lại cảm giác chữa lành
Đôi khi, âm nhạc có thể khiến chúng ta khóc khi nghe. Phản ứng này chủ yếu xuất phát từ hành vi của con người và đôi khi có thể mang lại cảm giác sảng khoái.
Nghiên cứu cho thấy việc khóc một cách tích cực giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. Một số nghiên cứu khác phát hiện rằng sau 90 phút khóc, các thành viên tham gia đều cảm thấy tốt hơn.
Âm nhạc buồn có thể khuyến khích mỗi người tự nhìn nhận bản thân
Một nghiên cứu cho thấy việc nghe nhạc buồn tạo ra những suy nghĩ quẩn quanh. Các nhà nghiên cứu đã xem xét hình ảnh MRI của những người nghe nhạc buồn so với khi họ nghe nhạc vui. Thí nghiệm chỉ ra rằng họ thường có xu hướng hướng tâm trí vào bên trong, với những luồng suy nghĩ tự phát liên quan đến bản thân và những khía cạnh của cuộc sống.
Não chúng ta thường phát triển một mối liên kết với những bài hát cụ thể
Chúng ta dễ dàng kết nối với mọi thứ khi chúng mang lại cảm giác riêng tư, và âm nhạc chắc chắn không phải là ngoại lệ. Trong album “Red (Taylor’s Version)” của nữ ca sỹ Taylor Swift, nhiều người hâm mộ đã lớn lên với phiên bản gốc và giờ đây họ cảm thấy có một mối liên kết sâu sắc với những bản “cover”.
Elizabeth Margulis, tác giả của cuốn sách "On Repeat: How Music Plays the Mind" từng chia sẻ với Mic rằng: “Nghe đi nghe lại một bản nhạc sẽ giúp chúng ta dễ hình dung và hát theo lời bài hát. Cảm giác mong muốn được chia sẻ về âm nhạc có thể nảy sinh. Khi chia sẻ những trải nghiệm về âm nhạc, cảm giác ranh giới giữa bản thân và âm nhạc dường như tan biến”.
Nói cách khác, chúng ta liên hệ, chúng ta lắng nghe, và vòng tuần hoàn ấy lại lặp đi lặp lại. Bộ não của chúng ta sẽ không thể ngừng nghĩ về điều đó.
* Có thể bạn đã từng nghe thấy một giai điệu và giai điệu đó cứ đọng lại trong tâm trí bạn mà “không chịu thoát ra”. Liệu đó có phải cảnh báo nguy hiểm liên quan đến các vấn đề sức khỏe không?
Thỉnh thoảng khi vào TikTok, bạn có thể vô tình lướt qua một số bài hát với giai điệu “bắt tai” kết hợp hình ảnh vũ đạo vui nhộn.
Gần đây, trên mạng xã hội này xuất hiện một video tuyên bố rằng việc những bài hát cứ “luẩn quẩn” trong đầu bạn chính là dấu hiệu của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder - ADHD) hoặc OCD (obsessive compulsive disorder - rối loạn ám ảnh cưỡng chế).
Một người dùng TikTok chia sẻ: “Bạn của tôi phải dùng thuốc liên tục để ngăn những bài hát ‘mắc kẹt’ trong đầu cô ấy cả ngày. Việc bạn không thể gạt bỏ một bài hát ra khỏi tâm trí hẳn là một dấu hiệu bất thường”. Bình luận của “TikToker” này đã thu hút hơn 60,000 lượt thích.
Trên thực tế, “sâu tai” (earworm) là hiện tượng cực kỳ phổ biến. Ai cũng có nguy cơ gặp những giai điệu, dù là khó chịu hay cuốn hút, “tua đi tua lại” trong tâm trí mình.
“Sâu tai” là gì?
Shaheen Lakhan, một nhà thần kinh học ở Mỹ, cho biết “sâu tai” giống như như một cơn ngứa nhưng đó là một cơn ngứa trong nhận thức. Não bộ của bạn sẽ “gãi” và gây ra một vòng lặp luẩn quẩn.
Dấu hiệu điển hình của “sâu tai” là trong đầu bạn luôn văng vẳng đoạn điệp khúc hoặc phần “bắt tai” nhất của bài hát. Điều này đang trở nên phổ biến trong kỷ nguyên TikTok. Tuy nhiên, “sâu tai” không hẳn là dấu hiệu của ADHD hoặc OCD. OCD là vấn đề liên quan đến phản ứng.
Những người mắc chứng OCD có thể lo lắng nếu không thể nhớ được bài hát, hoặc cảm thấy có trách nhiệm rằng họ phải hiểu được bài hát đó, nếu không thì điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Ví dụ, nếu nội dung của bài hát liên quan đến cái chết, một người mắc chứng OCD có thể khiến họ bị ám ảnh bởi suy nghĩ có ai đó sắp qua đời.
Với ADHD, “sâu tai” sẽ hoạt động hơi khác một chút
ADHD xảy ra cùng sự kích thích quá mức. Âm nhạc có thể sản sinh ra nhiều dopamine - một loại “hormone hạnh phúc” - từ đó biến thành sự tập trung cao độ, chứ không phải suy nghĩ ám ảnh.
Chỉ khi ai đó bị mất tập trung, họ mới nhận thức rõ ràng về sự phiền toái. Rất khó để tâm trí họ trở lại với công việc khi họ không thể thoát hỏi sự xao nhãng.
Cách loại bỏ “sâu tai”
“Sâu tai” có thể là một trải nghiệm không dễ chịu khi một bài hát cứ lặp đi lặp lại trong đầu bạn cả ngày, nhưng tin tốt là có một số cách để giảm tình trạng này. Một vài nghiên cứu ở Anh chỉ ra việc nhai kẹo cao su là một cách hữu ích.
Lý thuyết tư duy cho rằng chuyển động của hàm có thể làm giảm nhận thức về âm nhạc, giống như việc bạn không thể vừa vỗ đầu vừa xoa bụng cùng một lúc, bạn chỉ có khả năng tập trung làm một việc.
Một chiến thuật khác có thể áp dụng là hiệu ứng Zeigarnik - cảm giác bứt rứt khi công việc còn dang dở.
Bạn có thể hát cả bài hát, hoặc chuyển động cơ thể theo một nhịp điệu khác với nhịp điệu trong bài hát đang luẩn quẩn trong đầu bạn.
Chuyên gia cho rằng việc hát hò và nhảy múa thực sự là một trải nghiệm mang tính gắn kết. Mọi người thường lặp đi lặp lại những giai điệu và động tác, nhưng khi tăng tốc độ chuyển động cơ thể từ chậm đến nhanh, bạn có thể làm gián đoạn sự trôi chảy của vòng lặp đó.
Vậy nên, thay vì chống lại, việc chấp nhận rằng bạn đang trải qua hiện tượng “sâu tai” sẽ khiến tình trạng này biến mất nhanh hơn.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)