Thứ Tư, 27/11/2024 04:32 SA
COP28: Cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong các hành động vì mục tiêu khí hậu
Thứ Bảy, 02/12/2023 13:00 CH

Các nước trên thế giới cần tìm kiếm điểm tương đồng trong chính sách để có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), lãnh đạo nhiều nước tiếp tục kêu gọi hành động khẩn trương và tăng cường hợp tác toàn cầu vì mục tiêu khí hậu.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong bài phát biểu tại COP28, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi hợp tác toàn cầu để đạt được các mục tiêu hành động khí hậu.

 

Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những bước đi tham vọng hơn tại COP28, mở rộng phạm vi tham gia của tất cả các cộng đồng và tránh những hành động đơn phương".

 

Cũng theo ông El-Sisi, các thách thức chính trị và quốc tế hiện nay là rất nghiêm trọng và có thể làm trầm trọng thêm những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Vì thế, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo là phải đưa ra cam kết mạnh mẽ, có tham vọng rõ ràng trong các hành động và thực hiện hành động của mình phù hợp với các thỏa thuận đã đạt được ở Paris.

 

Điều này đòi hỏi các nước phải tuân thủ các cam kết và khuyến nghị khoa học, xem xét năng lực cũng như trách nhiệm lịch sử và hiện tại của mỗi quốc gia đối với các thách thức khí hậu hiện nay.

 

Bên cạnh đó, ông El-Sisi đã chia sẻ kinh nghiệm của Ai Cập khi làm nước chủ nhà COP27 tháng 11 năm ngoái và cho biết về những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với đất nước Kim tự tháp.

 

Ông một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động khẩn cấp tập thể để có thể bảo vệ Trái đất cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy phát triển xanh thân thiện với môi trường.

 

Ông cho biết thêm những sáng kiến được đưa ra tại COP27, bao gồm Quỹ tài trợ cho các nước đang phát triển và Kế hoạch hành động chuyển đổi công bằng, đã mở đường cho việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó những cam kết tài trợ và những thỏa thuận đã thống nhất giữa các bên có ý nghĩa rất quan trọng.

 

Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset cũng kêu gọi các nước hành động khẩn trương trong vấn đề khí hậu.

 

Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Thụy Sĩ cho biết Tổng thống Alain Berset đã nhấn mạnh COP28 là thời điểm quan trọng, vì đây là lần đầu tiên tiến hành đánh giá về những tiến bộ đạt được kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris và là cơ hội cuối cùng để các nước hành động hướng đến mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

 

Theo nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, nếu cộng đồng quốc tế không có những hành động nhanh chóng và rõ ràng, tình hình sẽ không được cải thiện và cơ hội đạt được mục tiêu tăng dưới 1,5 độ C chỉ có thể đạt được khi tất cả các quốc gia chung tay.

 

Riêng với Thụy Sĩ, nước này cam kết sẽ xử lý những vấn đề liên quan đến việc giảm phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu và tài trợ cho các chương trình xanh về khí hậu.

 

Cũng trong chương trình làm việc tại Dubai, Tổng thống Alain Berset đã thông báo các khoản tiền hỗ trợ của Thụy Sĩ cho các chương trình bảo vệ môi trường trong 4 năm tới và kêu gọi ủng hộ các nghị quyết loại bỏ than vào năm 2040 và loại bỏ dầu khí vào năm 2050.

 

Cùng ngày 1/12, tại hội nghị, hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia. Cụ thể, tổng cộng 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tuyên bố khẳng định các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải. Ngoài ra, các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nguồn lực tài trợ, phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo sớm.

 

Theo tuyên bố chung, 134 quốc gia ký kết văn kiện là nơi sinh sống của 5,7 tỉ người, tạo ra lượng khí thải nhà kính chiếm tới 75% tổng lượng khí thải từ hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, hoặc 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới.

 

Trong số các quốc gia ký vào tuyên bố chung có Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

 

Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu và Môi trường UAE Mariam Almheiri nhấn mạnh: “Không có giải pháp nào giúp đạt được các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris và giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C mà không giải quyết khẩn cấp mối quan hệ giữa phát triển hệ thống lương thực, nông nghiệp và khí hậu”.

 

Hệ thống thực phẩm tạo ra hơn 30% lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người, nhưng đang ngày càng bị tác động do hiện tượng nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek