Ngày 6/11, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin an ninh tại Dải Gaza cho biết việc chuyển những người Palestine bị thương từ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này tới Ai Cập để điều trị sẽ được nối lại sau 3 ngày tạm dừng.
Theo các nguồn tin trên, hiện tại, lực lượng chức năng đang nỗ lực hết sức để điều phối việc đưa 30 trường hợp bị thương từ bệnh viện Al-Shifa tại Gaza tới Ai Cập để điều trị.
Hoạt động này sẽ có sự hỗ trợ của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC). Các nguồn tin cho biết thêm rằng việc đưa công dân nước ngoài rời khỏi Gaza cũng sẽ được nối lại.
Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) dẫn tuyên bố của Cơ quan Quản lý Biên giới ở Dải Gaza cho biết chính quyền Ai Cập thông báo chỉ mở cửa khẩu Rafah cho người Ai Cập sơ tán và những người nước ngoài có tên trong danh sách được lập kể từ ngày 1/11. Những trường hợp không có tên trong danh sách sẽ không được phép qua cửa khẩu này.
Trước đó cùng ngày, văn phòng truyền thông của chính quyền ở Gaza cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa đoàn xe chở những người bị thương đến cửa khẩu Rafah đều phải có sự hỗ trợ từ các phương tiện của ICRC và các phương tiện của Liên hợp quốc để đảm bảo an toàn cho họ.
Ngày 3/11 vừa qua, các máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công một đoàn xe cứu thương chở những người Palestine bị thương đến cửa khẩu Rafah, khiến 6 người Palestine thiệt mạng.
Quân đội Israel cho rằng Phong trào Hồi giáo Hamas sử dụng phương tiện này để vận chuyển các tay súng và vũ khí.
Việc đưa những người bị thương và công dân có hộ chiếu nước ngoài rời khỏi Gaza cũng đã phải tạm dừng sau vụ việc trên.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho rằng việc tạm dừng giao tranh có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới người dân ở Dải Gaza.
Phát biểu trong chuyến công du tới Sarajevo (Bosnia), Bộ trưởng Kajsa Ollongren bày tỏ quan ngại về tình hình ở Dải Gaza và tin rằng viện trợ sẽ đến tay người dân để ngăn chặn thảm họa tiếp theo, đồng thời kêu gọi "tạm dừng nhân đạo" trong cuộc xung đột Hamas - Israel.
Theo Bộ trưởng Kajsa Ollongren, Hà Lan muốn vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu các bên ngừng giao tranh.
Bà khẳng định: “Chúng tôi biết rằng thường dân, đặc biệt là trẻ em, đang phải chịu đau khổ. Chúng tôi muốn cung cấp viện trợ nhân đạo bằng mọi cách (có thể). Chúng tôi biết rằng điều này sẽ có thể thực hiện được nếu có sự tạm dừng nhân đạo trong cuộc xung đột".
Trong diễn biến khác, Mỹ đã điều một tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đến Trung Đông sau khi Iran cảnh báo Mỹ sẽ bị “tấn công mạnh mẽ” nếu Washington không thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Trong thông báo ngày 6/11, Lầu Năm Góc đăng tải hình ảnh tàu ngầm lớp Ohio có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk ở kênh đào Suez, ngay phía Đông Bắc thủ đô Cairo của Ai Cập. Chiếc tàu ngầm có thể mang theo 154 tên lửa Tomahawk, mỗi tên lửa có đầu đạn chứa gần nửa tấn chất nổ, hiện đang cơ động tại khu vực trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng.
Hình ảnh tàu ngầm được Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ đăng tải khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad-Reza Ashtiani kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy lệnh ngừng bắn và cáo buộc Mỹ "có liên quan về mặt quân sự" trong cuộc chiến Israel - Hamas.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tăng cường các hoạt động ngoại giao bằng chuyến công du Trung Đông. Ông Blinken đến Ankara vào tối 5/11 và hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan vào sáng 6/11.
Cùng ngày 6/11, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell, đã đề xuất một kế hoạch, theo đó Israel có thể đình chỉ hoạt động quân sự tại Dải Gaza để đổi lấy việc Hội Chữ thập Đỏ tiếp cận với những công dân Israel hiện bị Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao EU tại trụ sở của Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), ông Borrell cho rằng một "khoảng dừng nhân đạo" song song với việc Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) có thể tiếp cận những người bị phía Hamas bắt giữ như bước đi đầu tiên hướng đến việc họ được thả tự do là một sáng kiến nên làm.
Theo ông, dù tạm thời gọi đó là một thỏa thuận ngừng bắn, hay bất kỳ một tên gọi nào khác, điều quan trọng hơn cả là cần giảm bớt bạo lực và cần phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Bên cạnh đó, Đại diện Cấp cao của EU cảnh báo phản ứng thái quá của Israel sẽ khiến nước này mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Ông cũng cho rằng "không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột" ở Gaza, ngay cả khi không còn tay súng Hamas nào tại vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, ông Borrell nhận định cuộc tấn công của Hamas là một "ngã rẽ trong lịch sử" và điều này sẽ tác động đến tương lai của Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Theo ông, "thảm kịch" diễn ra ở Trung Đông đang khiến người dân Israel và Palestine phải trả giá đắt.
EU, Mỹ và Anh đang thúc đẩy "các khoảng dừng nhân đạo" trong cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel tại Gaza nhằm đảm bảo người dân ở vùng lãnh thổ bị bao vây này nhận được sự giúp đỡ. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã loại trừ khả năng thực thi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nào cho đến khi tất cả các con tin bị phía Hamas bắt giữ được thả.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo EU sẽ tăng viện trợ nhân đạo cho Gaza thêm 25 triệu euro (26,9 triệu USD). Quyết định mới nhất này nâng tổng số tiền viện trợ nhân đạo cho dân thường tại vùng lãnh thổ này lên 100 triệu euro.
Trong khi đó, phát biểu tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Hakan Fidan về việc sớm tìm cách tăng cường đáng kể các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo ở Gaza cũng như tìm cách ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)