Cơ quan quản lý dữ liệu châu Âu đã nhất trí mở rộng lệnh cấm thu thập dữ liệu người dùng phục vụ "quảng cáo hành vi" trên các mạng xã hội Facebook và Instagram ở 30 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).
Quảng cáo hành vi (Behavioral Advertising) đề cập đến hoạt động theo dõi người dùng trên các trang mạng để suy ra thói quen và sở thích của người dùng để sản xuất quảng cáo nhằm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể, một mô hình kinh doanh phổ biến với các công ty công nghệ lớn.
Cụ thể, ngày 1/11, Ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) thông báo đã thông qua quyết định mang tính ràng buộc trong đó cấm Meta, chủ sở hữu của các mạng xã hội Facebook và Instagram, sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng để phục vụ quảng cáo mục tiêu.
EDPB cho biết quyết định được thông qua sau khi cơ quan này xem xét đề nghị của Na Uy. Hiện Meta đối mặt với khoản phạt 1 triệu crown (90.000 USD) mỗi ngày tại Na Uy nếu vi phạm quyền riêng tư của người dùng bằng cách sử dụng dữ liệu như vị trí, phân tích hành vi, để phục vụ quảng cáo.
Hồi tháng 9 vừa qua, Datatilsynet đã đề xuất lên cơ quan quản lý châu Âu về hình thức phạt nêu trên với Meta, vì nếu không mở rộng, khoản phạt này chỉ có hiệu lực ở Na Uy và sẽ hết hạn vào ngày 3/11.
Sau quyết định của EDPB, biện pháp này sẽ trở thành dài hạn và ảnh hưởng tới 250 triệu người dùng Facebook và Instagram ở châu Âu. Lãnh đạo Cơ quan quản lý dữ liệu Na Uy (Datatilsynet) Line Coll, hoan nghênh việc EDPB nhất trí với đánh giá của cơ quan này và mở rộng lệnh cấm.
Theo quyết định, cơ quan quản lý dữ liệu Ireland, nơi Meta đặt trụ sở ở châu Âu, phải đưa biện pháp cuối cùng về vấn đề này trong vòng 2 tuần, để lệnh cấm có hiệu lực trong 1 tuần sau đó. EDPB đã thông báo tới Meta về quyết định trên.
Cũng trong ngày 1/11, Meta cho biết đã thông báo cho EDPB về việc sẽ để người dùng tại EU và EEA quyết định có đồng thuận với việc cho phép hãng khai thác dữ liệu hay không và sẽ đưa ra mô hình đăng ký vào tháng 11 tới để đáp ứng các yêu cầu quản lý. Meta khẳng định đã phối hợp với giới chức để tìm ra giải pháp phù hợp với các bên.
Theo TTXVN/Vietnam+