Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 24/10, Nhật Bản lần đầu tiên thông báo việc nước này chế tạo thành công trạng thái “plasma” - công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn năng lượng không phát thải thế hệ mới.
Thông tin của Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ Lượng tử Quốc gia Nhật Bản (QST), cho biết cơ quan này đã lần đầu tiên thành công trong việc tạo ra trạng thái thứ 4 của vật chất gọi là “plasma” trong cơ sở nghiên cứu đặt tại tỉnh Ibaraki, nơi có thành phố khoa học Tsukuba lớn nhất Nhật Bản.
Thiết bị chế tạo plasma được QST sử dụng là JT-60SA, một thiết bị thí nghiệm phản ứng tổng hợp hạt nhân lớn nhất thế giới do Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) hợp tác phát triển với chi phí khoảng 65 tỉ yen (khoảng 433 triệu USD).
Các nhà khoa học của QST đã bắt đầu vận hành toàn diện JT-60SA từ tháng 5 năm nay và họ đã thành công trong việc tạo ra “plasma” vào khoảng 17 giờ 30 ngày 23/10 (theo giờ địa phương).
Để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, cần phải nâng nhiệt độ của “plasma” lên hơn 100 triệu độ và khiến hạt nhân nguyên tử va chạm với nhau với ở tốc độ 1.000 km/s.
Theo QST, nhiệt độ của “plasma” có thể được tạo ra ở thời điểm hiện tại là khoảng 10 triệu độ và họ sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị nhằm đạt mục tiêu duy trì "plasma" 100 triệu độ trong 100 giây trong vòng 5 năm nữa.
Phản ứng tổng hợp hạt nhân là phản ứng xảy ra bên trong lõi của Mặt Trời. Bằng cách tạo ra chuỗi phản ứng này, con người có thể thu được một lượng năng lượng khổng lồ và được kỳ vọng sẽ là nguồn năng lượng thế hệ mới không phát thải carbon hay chất thải phóng xạ.
Trong bối cảnh việc chế tạo “plasma” đang được các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước EU thúc đẩy và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng việc lần đầu tiên chế tạo thành công “plasma” không chỉ giúp Nhật Bản “bắt kịp” các nước khác mà còn mang lại sự khích lệ to lớn cho cộng đồng nghiên cứu của nước này để có thể đạt được những kết quả tích cực trong tương lai.
Ngoài các thử nghiệm của QST, hiện Nhật Bản đang tham gia vào ITER - một dự án quốc tế quy mô lớn mà nước này, EU và hơn 30 nước phát triển khác đang tham gia nhằm đạt được mục tiêu sản xuất điện nhiệt hạch vào năm 2050.
Theo TTXVN/Vietnam+