Thứ Năm, 28/11/2024 00:50 SA
Bão nhiệt đới có cường độ mạnh ngày càng xuất hiện sớm hơn
Thứ Năm, 05/10/2023 16:46 CH

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 6/9 vừa qua do cơn bão Haikui gây ra. Ảnh: AFP/TTXVN

* Thế giới trải qua tháng 9 với nhiệt độ trung bình cao chưa từng thấy

 

Những cơn bão mạnh kết hợp cùng lượng mưa lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người, do vậy các chính phủ cần đưa ra kế hoạch thích ứng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, chịu thiệt hại lớn do thiên tai.

 

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Đại học Khoa học - Công nghệ Nam Phương ở Thâm Quyến, Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo và Đại học Hawaii ở Manoa đã đưa ra kết luận trên tạp chí Nature số ra mới đây.

 

Theo phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 1981 đến năm 2017, các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh, có tốc độ gió tối đa lên tới 203,7km/giờ, đã xảy ra sớm hơn ở cả hai bán cầu Bắc và Nam. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước tới nay, những cơn bão đã dịch chuyển sớm hơn trung bình 3,7 ngày ở Bắc Bán cầu và 3,2 ngày ở Nam Bán cầu.

 

Theo nghiên cứu, sự thay đổi này chỉ đáng chú ý đối với những cơn bão mạnh, không bao gồm những cơn bão ít nghiêm trọng hơn.

 

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khí thải nhà kính đã khiến nhiệt độ nước biển tăng nhanh hơn, dẫn đến các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh xuất hiện sớm hơn.

 

Các nhà khoa học lưu ý rằng xu hướng xuất hiện các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh trước thể hiện rõ nhất ở phía tây bắc Thái Bình Dương - khu vực có nhiều hoạt động bão nhiệt đới nhất trên thế giới. Những phát hiện này có ý nghĩa đối với việc quản lý rủi ro các thảm họa, liên quan đến bão nhiệt đới trong điều kiện Trái Đất nóng lên.

 

Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các dữ liệu khí hậu ở miền Nam Trung Quốc. Họ nhận thấy các đợt mưa cực đoan thường bắt đầu đạt đỉnh vào tháng 6 do hệ thống gió mùa của mùa Hè và quay trở lại vào tháng 10 do bão đổ bộ.

 

Tuy nhiên, lượng mưa cực lớn trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng 9 đã gia tăng rõ rệt theo thời gian. Nguyên nhân là do các cơn bão cường độ mạnh xảy ra sớm hơn. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy xu hướng tương tự tại Vịnh Mexico, một khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề của bão nhiệt đới.

 

Ông Song Fengfei, GS tại Đại học Hải dương Trung Quốc, giải thích rằng biến đổi khí hậu khiến đại dương trở nên ấm hơn vào mùa hè, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn bão hình thành sớm hơn các đợt cao điểm thông thường vào mùa thu. Ông nhấn mạnh khi bão xuất hiện cùng thời điểm với mưa gió mùa, thiệt hại về người và môi trường sẽ nặng nề hơn.

 

Theo GS Song Fengfei, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích mối quan hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu với các cơn bão. Trong đó, các nhà khoa học sẽ xác định mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến mùa bão trong tương lai và đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan chồng chéo.

 

* Cơ quan Giám sát Tình trạng Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/10 cho biết thế giới vừa trải qua tháng 9 với nhiệt độ trung bình cao chưa từng thấy và xu hướng này có thể duy trì trong tháng 10.

 

Theo báo cáo của C3S, phần lớn thế giới đã trải qua thời tiết ấm áp trái mùa vào tháng 9 vừa qua, trong một năm được dự báo là nóng nhất trong lịch sử loài người. Nhiệt độ trung bình trong tháng này là 16,38 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của các tháng 9 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,5 độ C so với mức kỷ lục trước đó, ghi nhận trong tháng 9/2020.

 

C3S khẳng định tháng 9 vừa qua là "tháng ấm áp bất thường nhất" trong dữ liệu thống kê tính từ năm 1940 và nóng hơn khoảng 1,75 độ C so với mức trung bình tháng 9 trong thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp 1850-1900.

 

Báo cáo của cơ quan này cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn 1,4 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 1850-1900, gần chạm mục tiêu kiềm chế mức độ tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi Khí hậu năm 2015.

 

Ngưỡng tăng nhiệt tối thiểu này được xem là một mục tiêu sống còn nhằm tránh những hậu quả thảm khốc nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay cũng cao hơn 0,05 độ C so với giai đoạn cùng kỳ năm 2016 - năm ấm nhất được ghi nhận cho đến nay.

 

Các nhà khoa học đánh giá hiện tượng El Nino có thể khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục trong ba tháng tới. Những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng này sẽ biểu hiện rõ rệt vào cuối năm 2023 và kéo dài tới năm 2024.

 

Xét riêng tại châu Âu, nhiệt độ trung bình ở lục địa này trong tháng 9 vừa qua đã cao hơn 2,51 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1991-2020, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Nhiệt độ mặt nước biển trung bình trong tháng này (không bao gồm các vùng cực) cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 20,92 độ C.

 

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên dữ dội hơn, điển hình là Cơn bão Daniel gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại Libya và Hy Lạp trong tháng vừa qua. Biển và đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa phát sinh từ các hoạt động của con người kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp.

 

Việc nhiệt độ gia tăng sẽ làm suy giảm khả năng hấp thụ CO2 của biển và đại dương, qua đó làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn của hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng như phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek