Tiếp tục cập nhật về thương vong trong thảm họa động đất tại Marốc, tối 9/9, Bộ Nội vụ Marốc thông báo số người thiệt mạng hiện là ít nhất 1.037 người và hơn 1.200 người bị thương.
Trước đó, động đất đã xảy ra vào lúc 23 giờ đêm 8/9 (giờ địa phương), với tâm chấn tại dãy High Atlas, cách thành phố du lịch nổi tiếng Marrakech 72km về phía tây nam.
Động đất làm rung chuyển nhiều thành phố tại Marốc, khiến nhiều tòa nhà đổ sập. Đây là trận động đất nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Marốc, gây thiệt hại trên diện rộng.
Hầu hết các nạn nhân tập trung ở các khu vực núi cao khó tiếp cận. TP Marrakech là địa điểm gần nhất vùng tâm chấn.
Động đất đã làm sập nhiều tòa nhà ở thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới này. Các địa phương khác bị ảnh hưởng bao gồm Al Haouz, Ouarzazate, Azilal, Chichaoua và Taroudant.
Một chuyên gia địa chấn người Pháp cho biết thảm họa động đất tối 8/9 tại Marốc tuy không xảy ra ở khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất quốc gia Bắc Phi này, nhưng có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều dư chấn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), chuyên gia Philippe Vernant tại Đại học Montpellier nhận định việc xảy ra động đất ở Marốc không phải là điều hiếm thấy và bất ngờ. Tâm chấn của trận động đất ngày 8/9 vừa qua không nằm ở khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất ở Marốc, song đã tác động mạnh tới dãy núi High Atlas.
Ông nhấn mạnh: "Ngay cả khi chúng yếu hơn, chúng vẫn có thể dẫn đến sự sụp đổ của những tòa nhà vốn đã bị suy yếu do trận động đất".
Chuyên gia Philippe Vernant cũng nhắc lại trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 năm nay khiến 50.783 người ở nước này và 8.476 người ở Syria thiệt mạng: "Chúng ta thường nói rằng dư chấn có cường độ giảm dần. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất đã gây ra một trận động đất khác. Vết rách đầu tiên có thể dẫn đến đứt gãy khác thông qua hiệu ứng tầng, đó là lý do tại sao đôi khi có nguy cơ xảy ra trận động đất mạnh hơn sau trận động đất đầu tiên".
Lý giải nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề trong đợt thiên tai lần này, chuyên gia Vernant nhấn mạnh động đất có độ lớn 6,8 hoặc 6,9 phản ánh sự dịch chuyển trung bình trên đường đứt gãy tương đương khoảng 1m chỉ trong vài giây và tổng chiều dài dịch chuyển lên tới vài km. Điều này làm rung chuyển trên một khu vực rộng lớn. Tiếp đến, độ sâu chấn tiêu ban đầu ước tính khoảng 25-30km. Tuy nhiên, trên thực tế nông hơn rất nhiều khi chỉ ở khoảng 10km, từ đó gây thiệt hại lớn hơn.
Ông Vernant cảnh báo chắc chắn sẽ xảy ra các đợt dư chấn. Cho dù cường độ của các đợt dư chấn này nhiều khả năng nhỏ hơn so với trận động đất ban đầu nhưng chúng có thể phá hủy những tòa nhà mà các kết cấu đã bị ảnh hưởng đáng kể sau động đất.
Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo người dân và các lực lượng chức năng cần đề cao cảnh giác vì không loại trừ khả năng động đất nối tiếp động đất như từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vết nứt đầu tiên có thể dẫn đến một vết đứt gãy khác thông qua hiệu ứng tầng (cascade effect). Đó là lý do tại sao có nguy cơ trận động đất sau mạnh hơn so với trận động đất ban đầu.
Theo thống kê mới nhất ngày 9/9 của Bộ Nội vụ Marốc, trận động đất xảy ra ở khu vực Ighil thuộc vùng núi High Atlas hôm 8/9 đã khiến ít nhất 2.012 người thiệt mạng, 2.059 người bị thương, trong đó có 1.404 người đang nguy kịch.
Nước này quyết định để Quốc tang ba ngày, tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong thảm kịch trầm trọng nhất kể từ năm 2004 này.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)