* Người tiêu dùng tại Anh kiện Google, đòi bồi thường gần 9 tỉ USD
Các nhà nghiên cứu tại tổ chức giám sát kỹ thuật số Citizen Lab cho biết đã phát hiện phần mềm gián điệp liên quan đến công ty NSO (Israel), khai thác lỗ hổng mới được phát hiện ở các thiết bị của hãng Apple
Trong một thông báo, đại diện Citizen Lab cho biết trong khi kiểm tra thiết bị Apple của nhân viên làm việc cho một nhóm xã hội dân sự có trụ sở tại Washington, tổ chức này đã phát hiện lỗ hổng trong thiết bị đã bị lợi dụng để lây nhiễm phần mềm gián điệp Pegasus của NSO.
Tuy nhiên, Citizen Lab không cung cấp thông tin chi tiết về cá nhân hay tổ chức bị ảnh hưởng.
Cơ quan giám sát này nêu rõ lỗ hổng cho phép phần mềm gián điệp xâm nhập các dòng iPhone sử dụng hệ điều hành iOS phiên bản mới nhất (16.6). Theo đó, Citizen Lab hối thúc người dùng cập nhật phiên bản mới trên các thiết bị của họ.
Về phần mình, một người phát ngôn của Apple cho biết Apple đã tung ra các bản cập nhật mới trên thiết bị của hãng sau khi điều tra ra các lỗ hổng được Citizen Lab cảnh báo.
Công ty NSO chưa đưa ra bình luận gì về thông tin của Citizen Lab.
Kể từ năm 2021, Chính phủ Mỹ đã đưa công ty NSO vào danh sách đen với cáo buộc nhiều sai phạm, trong đó có hành vi theo dõi các quan chức chính phủ và nhà báo.
* Google đang phải đối mặt với vụ kiện mới ở Anh, trong đó tập đoàn công nghệ Mỹ bị cáo buộc bóp nghẹt sự cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm và là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao trên toàn nền kinh tế của Anh.
Đơn kiện thay mặt cho tất cả người tiêu dùng tại Anh, được đệ trình lên Tòa Phúc thẩm Cạnh tranh Vương quốc Anh, yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng 7 tỉ bảng Anh (8,7 tỉ USD).
Bên nguyên đơn cáo buộc Google vi phạm luật cạnh tranh khi loại bỏ chức năng cạnh tranh tìm kiếm trên thiết bị di động và sử dụng vị thế thống trị thị trường của mình để tăng mức giá mà các nhà quảng cáo phải trả để được nổi bật trên trang tìm kiếm Google.
Theo đơn kiện, những chi phí quảng cáo này sau đó được chuyển sang người tiêu dùng, khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà họ mua.
Nguyên đơn lập luận rằng Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình khi ràng buộc chức năng Tìm kiếm của mình với các ứng dụng và dịch vụ khác, như yêu cầu nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt sẵn ứng dụng Google Search và trình duyệt Google Chrome để có được giấy phép sử dụng cửa hàng ứng dụng Google Play.
Đơn kiện cũng nêu rõ Google đã trả tiền cho Apple để đảm bảo Google là công cụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt Safari trên các thiết bị của Apple như iPhone.
Đại diện tập thể trong vụ kiện trên, bà Nikki Stopford, một Nhà vận động vì Quyền lợi Người tiêu dùng, khẳng định: "Đây rõ ràng là hành vi vi phạm luật cạnh tranh, mà người tiêu dùng phải trả giá".
Theo bà Stopford, vụ kiện này nhằm buộc Google phải chịu trách nhiệm về việc liên tục vi phạm pháp luật, và lấy lại số tiền họ nợ người tiêu dùng.
Theo nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Consumer Voice, đơn kiện được đưa ra thay mặt cho 65 triệu người tiêu dùng ở Vương quốc Anh. Nếu vụ kiện thành công, mỗi nguyên đơn có thể được bồi thường khoảng 100 bảng Anh.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn của Google cho rằng vụ kiện trên mang tính “suy diễn và cơ hội", đồng thời cho biết công ty "sẽ đáp trả mạnh mẽ".
Google nhấn mạnh: "Mọi người sử dụng Google vì tính hữu ích của nền tảng này. Chúng tôi chỉ kiếm tiền nếu quảng cáo hữu ích và phù hợp, được biểu thị bằng số lần nhấp chuột - với mức giá được đặt ra thông qua đấu giá theo thời gian thực".
Google cũng cho biết thêm rằng quảng cáo đóng vai trò quan trọng, giúp mọi người tìm hiểu các doanh nghiệp mới, mục tiêu mới và sản phẩm mới.
Trước đó, Google cũng đã phải đối mặt với các vụ kiện yêu cầu bồi thường hàng tỉ USD cho các nhà xuất bản bị mất doanh thu từ quảng cáo.
Google và các tập đoàn công nghệ khác của Mỹ cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra từ các cơ quan quản lý của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)