Sáng sớm 4/9, nhóm các nhà du hành vũ trụ Mỹ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã trở về trái đất an toàn, kết thúc sứ mệnh khoa học kéo dài 6 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Tàu vũ trụ của công ty khai phá không gian SpaceX đã thực hiện nhiều thao tác để tiến vào quỹ đạo hồi quyển và hạ cánh an toàn bằng dù xuống vùng biển ngoài khơi bang Florida của Mỹ.
Bốn phi hành gia trở về trái đất lần này - gồm hai nhà du hành thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Stephen Bowen và Warren “Woody” Hoburg, nhà du hành người Nga Andrei Fedyaev và nhà du hành UAE Sultan al-Neyadi - đều có thể trạng khỏe mạnh khi tiếp đất. Không xảy ra sự cố nào trong quá trình hạ cánh.
Chia sẻ trước khi rời ISS, các nhà du hành vũ trụ cho biết họ thèm được tắm nước nóng, thưởng thức những tách càphê bốc khói và tận hưởng không khí đại dương. Chuyến bay trở về của họ đã bị hoãn lại 1 ngày do thời tiết xấu tại Florida.
Sứ mệnh lần này được cho là đặc biệt có ý nghĩa đối với cá nhân phi hành gia Sultan al-Neyadi nói riêng và đất nước UAE nói chung khi anh trở thành công dân Ả-rập đầu tiên đi bộ ngoài không gian trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên ISS.
Trong đoạn phim do NASA công bố, phi hành gia al-Neyadi trong trang phục bảo hộ bước ra ngoài không gian từ ISS và mang quốc kỳ UAE, cùng với đồng nghiệp người Mỹ Steve Bowen.
Chuyến đi dài khoảng 7 giờ trong ngày 29/4, nhằm thay thế một số thiết bị tần số vô tuyến và chuẩn bị cho việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.
Anh cho biết: “Trở thành phi hành gia Ả-rập đầu tiên đi bộ ngoài không gian là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Tôi mong muốn đại diện cho đất nước mình và tiếp tục hành trình đặc biệt đã được những người đi trước khởi xướng này”.
Theo kế hoạch, cuối tháng này, ISS sẽ chứng kiến một đợt thay đổi phi hành đoàn tiếp theo, khi 2 nhà du hành người Nga và 1 người Mỹ trở về Trái Đất sau một năm lưu lại đây.
Thời gian lưu trú của nhóm này đã tăng gấp đôi sau khi tàu Soyuz của họ bị rò rỉ toàn bộ chất làm mát và buộc phải triển khai tàu mới thay thế.
ISS được xây dựng và vận hành dựa trên sự hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, nhiều nước châu Âu, Nhật Bản và Canada. Giữa các lần hoán đổi phi hành đoàn, trạm vũ trụ này là "ngôi nhà chung" của 7 phi hành gia.
Theo TTXVN/Vietnam+