Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết tàu thăm dò Chandrayaan-3 đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên Mặt Trăng và chuyển sang chế độ chờ.
Tàu thăm dò Chandrayaan-3 được phóng lên ngày 4/7 và module Vikram đã đáp thành công xuống bề mặt Mặt Trăng ngày 23/8.
Theo ISRO, con tàu đã di chuyển trong khoảng cách 100m trên bề mặt Mặt Trăng trong 11 ngày qua. Thông báo tối 2/9 của cơ quan này trên mạng xã hội X nêu rõ: “Tàu thăm dò đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Hiện tàu đã đỗ an toàn và chuyển sang chế độ chờ. Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) đã được tắt, dữ liệu của các máy này đã được chuyển về Trái Đất”.
Thông báo cũng cho biết hệ thống pin đã được sạc đầy, tấm năng lượng Mặt trời đã được lắp theo hướng đón ánh sáng từ lần bình minh tiếp theo, dự kiến vào ngày 22/9.
Tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt Trăng, đánh dấu bước tiến lịch sử của ngành vũ trụ Ấn Độ. Sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, Ấn Độ là quốc gia thứ 4 trên thế giới đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng, nhưng lại là quốc gia đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng.
* Trước đó, chiều 2/9 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) phóng tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 cất cánh thành công từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan.
Tàu thăm dò Aditya-L1 sẽ được đưa lên quỹ đạo thấp quanh Trái Đất. Sau đó, tàu thăm dò sẽ khai hỏa hệ thống đẩy và hướng tới điểm Lagrange 1 (L1) giữa Trái Đất và Mặt Trời. Từ điểm đó, Aditya-L1 có thể nghiên cứu Mặt Trời mà không bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng che khuất thiên thể.
Tàu thăm dò Aditya-L1 mang theo 7 thiết bị để quan sát khí quyển của Mặt Trời, bề mặt (quang quyển), từ trường và các hạt quanh ngôi sao. Một trong những khu vực dữ dội nhất mà Aditya-L1 sẽ nghiên cứu là tầng thượng quyển của Mặt Trời.
Tàu thăm dò cũng sẽ chụp ảnh cực tím của vành nhật hoa và quang quyển bằng Kính viễn vọng chụp ảnh cực tím Mặt Trời (SUIT).
Ngoài khám phá bí ẩn vành nhật hoa, tàu Aditya-L1 cũng sẽ quan sát lóa Mặt Trời và cơn phun trào vành nhật hoa (CME), vụ nổ mạnh có thể ảnh hưởng tới sự sống trên Trái Đất.
Aditya-L1 cũng sẽ nghiên cứu thay đổi của plasma trong hành trình từ Mặt Trời tới Trái Đất. Tàu thăm dò cũng thực hiện nhiều phép đo môi trường plasma gần Trái Đất, sử dụng Thí nghiệm hạt gió Mặt Trời (ASPEX).
Nếu thành công, Ấn Độ sẽ là nước châu Á đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Dù vậy, tàu Aditya-L1 cũng chỉ dừng lại ở vị trí 1% khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Ở khoảng cách đó, lực hấp dẫn của Mặt Trời và Trái Đất lên con tàu triệt tiêu lẫn nhau, giúp Aditya-L1 duy trì quỹ đạo ổn định quanh Mặt Trời.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)