Tình trạng mưa lũ cục bộ và mực nước dâng cao trên sông Mekong trong hơn một tháng qua đã ảnh hưởng đến hơn 20.000 hộ dân, làm 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại hàng chục nghìn ha sản xuất nông nghiệp và hư hại nhiều công trình cơ sở hạ tầng tại 19 trong tổng số 25 tỉnh, thành ở Campuchia.
Ông Soth Kimkolmony, người phát ngôn của Ủy ban quản lý thảm họa quốc gia Campuchia (NCDM), cho biết tính đến cuối tháng 8 vừa qua, mưa lũ trên sông Mekong đã ảnh hưởng đến các tỉnh Pursat, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Cham, Preah Vihear, Mondulkiri, Ratanakkiri, Stung Treng, Kratie, Kandal, Kampong Chhnang, Kampong Speu, Takeo, Preah Sihanouk, Kampot, Kep, Koh Kong, Tbong Khmum và thủ đô Phnom Penh.
Mưa lũ và nước sông Mekong dâng cao, đặc biệt từ tháng 7 đến nay, đã ảnh hưởng đến 13.370 hộ dân, làm hư hại gần 200 ngôi nhà, điểm trường và chùa chiền tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, mưa lớn kéo dài và lũ lụt cũng đã ảnh hưởng đến hơn 17.900 ha sản xuất nông nghiệp, hư hại hơn 3 km đường quốc lộ và đường bêtông, hơn 98km đường giao thông nông thôn, 34 cây cầu và gần 12km đê.
Các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương đã và đang triển khai hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa các đoạn đường bị hư hại do mưa lũ.
NCDM dẫn báo cáo ngày 1/9 của chính quyền tỉnh Stung Treng, vùng Đông Bắc Campuchia, cho biết mực nước đập thủy điện Sesan Hạ 2 đã lên tới 75,27m, vượt mức báo động đỏ 75m. Mực nước dâng cao bất thường vượt mức báo động đỏ là do mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày trên toàn địa bàn tỉnh Stung Treng, cũng như mưa ở khu vực thượng nguồn.
Theo Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, từ ngày 1-4/9, vùng duyên hải phía Nam nước này có thể có mưa vừa đến mưa to trong nhiều ngày, kèm sấm chớp và gió giật. Khu vực trên biển có mưa, gió giật và sóng lớn.
Giới chức Campuchia kêu gọi người dân ở các khu vực liên quan đề cao cảnh giác, phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra do thiên tai.
Theo TTXVN/Vietnam+