Ngày 10/8, các cơ quan của LHQ đã bày tỏ quan ngại trước các vụ chìm tàu ở Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi tạo tuyến đường an toàn cho người di cư và người xin tị nạn hướng đến Liên minh châu Âu (EU).
Bản tin LHQ cho biết Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất hơn đối với các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Các tổ chức IOM, UNHCR và UNICEF đã phối hợp với chính quyền địa phương ở Lampedusa để hỗ trợ các giai đoạn đưa người di cư lên bờ và tiếp nhận ban đầu. Mục đích của việc này là đảm bảo sự bảo vệ quốc tế cho người thực sự cần và nhanh chóng xác định các cá nhân có nhu cầu đặc biệt.
Các cơ quan của LHQ khẳng định rủi ro tăng cao khi những người di cư vượt biển bằng tàu sắt, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi; đồng thời lên án những kẻ buôn người “mất nhân tính”.
Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Filippo Grandi nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao công tác quản lý dòng di cư này, giải quyết những vấn đề cơ bản, phản ứng ở các nước quá cảnh, ứng phó với nạn buôn người và thiết lập các tuyến di cư an toàn.
Cao ủy Grandi cảnh báo nếu các quốc gia không cam kết hơn nữa đối với hoạt động cứu nạn phối hợp và có tổ chức trên biển, các thảm kịch như vậy chắc chắn sẽ tái diễn.
Trong thảm kịch xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 3-4/8 với con tàu khởi hành từ thành phố Sfax (Tunisia), chỉ có 4 người được cứu sống nhờ một tàu thương mại.
Theo những người sống sót được Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đưa đến đảo Lampedusa, ban đầu nhóm của họ có 45 người. Tuy nhiên, 41 người trong đó, bao gồm cả 1 phụ nữ đang mang thai và 3 trẻ em, vẫn chưa được tìm thấy.
Số liệu của Dự án về người di cư mất tích của IOM cho thấy từ đầu năm đến nay, hơn 1.800 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên tuyến di cư Trung Địa Trung Hải. Đáng chú ý, trong 10 năm qua, hơn 75% số người di cư thiệt mạng ở Địa Trung Hải khi chọn tuyến đường nguy hiểm này.
Theo TTXVN/Vietnam+