Nhà khí hậu học hàng đầu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Gavin Schmidt nhận định tháng 7/2023 có thể là tháng nóng nhất của thế giới "trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn" năm qua.
Ông Schmidt đưa ra ý kiến trên tại một cuộc họp báo của NASA ngày 20/7, trong bối cảnh nắng nóng cực đoan khắp nơi trên thế giới, với các mức nhiệt độ kỷ lục ghi nhận trong tháng này, theo các công cụ đo lường của Liên minh châu Âu (EU) và Đại học Maine (Mỹ) thu thập từ dữ liệu vệ tinh và mặt đất.
Ông Schmidt nhấn mạnh "thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có - những đợt nắng nóng hoành hành ở Mỹ, ở châu Âu và ở Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục".
Theo nhà khoa học NASA, hiện tượng khí hậu El Nino chỉ đóng một vai trò nhỏ trong các tác động này, thực tế tình trạng ấm lên đang xảy ra khắp nơi, đặc biệt là ở các đại dương. Các mức nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận ở mặt nước biển, thậm chí bên ngoài vùng nhiệt đới, trong nhiều tháng nay. Ông cho rằng tình trạng này sẽ còn tái diễn, bởi con người vẫn tiếp tục phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Ông Schmidt nhận định diễn biến thời tiết hiện nay đang làm tăng khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay, và năm 2024 thậm chí có thể nóng hơn khi hiện tượng El Nino mới chỉ đang hình thành và dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm nay.
Cùng nhận định trên, theo Đài quan sát Khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi cơ quan này đo nhiệt độ trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng vốn kéo dài trong thời gian qua.
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan về Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), cho biết 15 ngày đầu tiên của tháng 7 là 15 ngày nóng nhất từng ghi nhận, do vậy tháng 7 có thể trở thành tháng 7 nóng nhất. Cơ quan về Biến đổi Khí hậu Copernicus tiến hành thu thập dữ liệu nhiệt độ toàn cầu từ năm 1940.
Ông cho biết biến đổi khí hậu đang làm toàn hệ thống khí hậu nóng lên và năm nay là trường hợp đặc biệt. Trên xu hướng này, có hai hiện tượng có thể gây tác động, đó là hiện tượng El Nino và nhiệt độ đại dương cao bất thường liên quan đến làn gió yếu hơn bình thường.
Biến đổi khí hậu đã gây ra các đợt nắng nóng kéo dài tại khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ cùng với các trận cháy rừng tại Canada và Hy Lạp.
Ở miền Tây nước Mỹ với nhiệt độ ghi nhận tại thung lũng Death Valley ở bang California hôm 16/7 lên tới 128 độ F, tương đương 53 độ C - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong 90 năm qua. Nhiệt độ ở TP Phoenix của bang Arizona chạm 114 độ F (45,5 độ C) vào ngày 17/7, lập kỷ lục 18 ngày liên tiếp trên 110 độ F.
Tại thị trấn Sanbao ở Tây Bắc Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục ở nước này là 52,2 độ C. Trong khi đó, cháy rừng đang bùng phát ở châu Âu trước một đợt nắng nóng thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần ở khu vực này, với nhiệt độ dự kiến có thể lên tới 48 độ C. Nhà chức trách ở Ý và Pháp đã ra cảnh báo về sức khoẻ liên quan đến nắng nóng.
Nhiệt độ cao không chỉ ảnh hướng đến sản lượng mùa màng, mà còn khiến sông băng tan chảy, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Những yếu tố này dẫn tới các vấn đề về sức khỏe như sốc nhiệt, mất nước hay đau tim. Nhiệt độ thế giới đã tăng trung bình gần 1,2 độ C kể từ giữa những năm 1800, gây ra thời tiết khắc nghiệt như các đợt nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn ở một số khu vực và các cơn bão dữ dội hơn do nước biển dâng.
El Nino là kiểu khí hậu xảy ra trong tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của bề mặt đại dương ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía đông Thái Bình Dương.
El Nino xảy ra trung bình trong khoảng từ 2 đến 7 năm và thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Hiện tượng này có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, từ lượng mưa lớn ở Nam Mỹ đến hạn hán ở Úc và một phần của châu Á.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)