Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 16/7 đã bày tỏ rất trông đợi phối hợp với Trung Quốc trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nợ cho các nước nghèo hơn, cũng như cải cách cần thiết đối với các ngân hàng phát triển đa phương trước khi tăng vốn.
Hãng tin Reuters dẫn bài phát biểu được chuẩn bị cho buổi họp báo của bà Yellen trước cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ, cho biết chuyến thăm của bà tới Bắc Kinh tuần trước đã giúp đặt mối quan hệ Mỹ - Trung trên "một nền tảng vững chắc hơn", đồng thời nhấn mạnh hai nền kinh tế lớn nhất có nghĩa vụ "phải hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm".
Theo bà Yellen, chặng đường cho nỗ lực hợp tác còn dài, song chuyến thăm Trung Quốc vừa qua đã đánh dấu bước khởi đầu quan trọng, qua đó bà hy vọng có thể tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung dựa trên nền tảng đã được xây dựng và tiến tới các bước hành động tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết tại cuộc họp G20, dự kiến diễn ra tại Gandhinagar, thuộc bang Gujarat của Ấn Độ, bà sẽ tiếp tục thúc đẩy "sự tham gia đầy đủ và kịp thời của các nước chủ nợ trong nỗ lực tái cơ cấu nợ".
Bộ trưởng Yellen cho biết, bà đã có cuộc thảo luận với giới chức Trung Quốc về việc tái cơ cấu nợ cho Zambia, trong đó đã đạt được một số nhất trí chung.
Bà cho rằng nên áp dụng các nguyên tắc đã được đồng thuận trong các trường hợp tái cơ cấu nợ khác nhằm đẩy nhanh quá trình này, đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp xử lý nợ cho Sri Lanka và Ghana có thể sớm được thống nhất.
Theo Bộ trường Yellen, cần có một bộ quy tắc hướng dẫn cho vấn đề tái cơ cấu nợ để các nước chủ nợ cũng như vay nợ hiểu rõ hơn về quá trình này.
Bà nhấn mạnh quỹ tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - vốn cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các nước nghèo nhất - cần được tạo dựng trên một nền tảng tài chính lành mạnh và vững chắc hơn.
Do đó, Bộ Tài chính Mỹ sẵn sàng giúp IMF cân nhắc các phương án, trong đó có sử dụng nguồn quỹ nội bộ.
Bên cạnh vấn đề tái cơ cấu nợ, Bộ trưởng Yellen cũng đề cập một số hướng phát triển đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển đa phương khác, nhưng nêu rõ khả năng tăng vốn chỉ nên được cân nhắc sau khi đã thực thi cải cách, mở rộng vai trò của các ngân hàng này từ hỗ trợ giảm nghèo thành giải quyết các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Theo ước tính của bà Yellen, các ngân hàng đa phương có thể tăng cho vay thêm 200 tỉ USD trong một thập kỷ nếu thực hiện các khuyến nghị trong báo cáo năm 2022 về khuôn khổ vốn của G20.
Trong số các bước đề xuất cho cải cách WB, Bộ trưởng Yellen đặc biệt muốn thúc đẩy một bộ nguyên tắc mới cho phép "sử dụng có mục đích cụ thể" các khoản vay của ngân hàng cho giải quyết các thách thức hàng đầu, như biến đổi khí hậu và thúc đẩy nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định Mỹ cam kết thực hiện thỏa thuận thuế tối thiểu đối với doanh nghiệp toàn cầu, được ký năm 2021, dù hiện nay vẫn chưa có hiệu lực do chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.
Theo TTXVN/Vietnam+