Ngày 13/7, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 trong ngày hôm trước.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ có hành động tấn công quân sự cho đến khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), được sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã phóng ICBM này để khẳng định khả năng và độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược mới. Triều Tiên tuyên bố tên lửa trên đã bay 1.001km trong 4.491 giây đạt đến độ cao 6.648km trước khi lao xuống vùng biển phía Đông nước này.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định rằng một loạt cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ hơn sẽ được phát động cho đến khi Mỹ và đồng minh của Washington thừa nhận thất bại đối với chính sách thù địch vô ích đối với Bình Nhưỡng và từ bỏ chính sách của họ.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết, ngày 12/7, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực thủ đô Bình Nhưỡng ra vùng biển phía Đông nước này. Lần gần nhất Triều Tiên phóng tên lửa là vào ngày 15/6, diễn ra sau khi Triều Tiên phóng thất bại vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 vào cuối tháng 5.
Trong diễn biến khác, Anh, nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ, thông báo cơ quan này sẽ họp công khai trong ngày 13/7 để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Cuộc họp này do Mỹ, Albania, Pháp, Nhật Bản, Malta và Vương quốc Anh yêu cầu.
Vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ. Theo hãng tin Yonhap, ngày 12/7, các phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa ra biển.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn cùng người đồng cấp Mỹ Sung Kim và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi cho rằng động thái của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ba bên cũng nhất trí phản ứng cứng rắn đối với các hành động họ cho là mang tính "khiêu khích" của Triều Tiên, dựa trên phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi thiết lập một thế trận an ninh tập thể mạnh mẽ cùng với Nhật Bản, Úc và New Zealand (còn gọi là nhóm AP4) sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra kêu gọi trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm AP4 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra ở Litva.
Ông cho rằng nhóm AP4 nên liên kết với NATO để thiết lập một thế trận an ninh tập thể mạnh mẽ góp phần bảo đảm an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng bày tỏ hy vọng cùng 3 quốc gia khác trong AP4 phản ứng đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh Úc "đứng về phía Hàn Quốc vào thời điểm này".
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins lưu ý rằng các nhà lãnh đạo nhóm họp "vào một thời điểm rất thách thức đối với thế giới," trong đó đề cập cuộc xung đột ở Ukraine.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)