Số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 32,1% so với một năm trước đó, lên 4.042 doanh nghiệp - mức cao nhất trong vòng 5 năm.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp phải vay thêm nợ để duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo kết quả khảo sát do Công ty Tokyo Shoko Research công bố ngày 10/7, sự gia tăng các vụ phá sản liên quan các khoản nợ vượt 10 triệu yen (70.000 USD) xảy ra khi nhiều công ty bắt đầu trả các khoản vay không lãi suất và không có bảo đảm, mà những người cho vay đã gia hạn theo chương trình của chính phủ để ứng phó với đại dịch.
Bên cạnh đó, chi phí vật liệu và lao động tăng cao cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Tổng cộng, có 322 vụ phá sản là các công ty được tài trợ theo chương trình khẩn cấp của chính phủ, tăng gần gấp đôi so với một năm trước. Số công ty phá sản do giá cả leo thang tăng gấp 3,3 lần lên 300.
Tokyo Shoko Research cảnh báo số công ty phá sản có thể tiếp tục tăng, đặc biệt là ở những công ty chậm phục hồi sau đại dịch.
Tổng nợ phải trả do các công ty phá sản để lại đã giảm 45,3% xuống còn 934 tỉ yen trong 6 tháng đầu năm nay sau khi tăng mạnh vào năm ngoái do khoản nợ cực lớn của tập đoàn sản xuất phụ tùng ôtô Marelli Holdings.
Tập đoàn này đã nộp đơn lên tòa án xin bảo hộ phá sản vào tháng 6 năm ngoái với khoản nợ lên tới 1.130 tỉ yen. Tokyo Shoko Research cho biết tất cả 10 danh mục ngành được khảo sát đều có sự gia tăng lần đầu tiên sau 25 năm.
Lĩnh vực dịch vụ ghi nhận con số cao nhất với 1.351 trường hợp, tăng 36,1%, với nhiều nhà hàng ngừng hoạt động sau khi chính phủ chấm dứt hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch. Ngành xây dựng đứng thứ hai ở mức 785 vụ, tăng 36,3% do chịu ảnh hưởng của chi phí vật liệu tăng cao.
Theo TTXVN/Vietnam+