Đại diện thường trực của Nga tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) Gennady Gatilov tuyên bố Nga sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng còn đường chính trị và ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia của Nga, ông Gatilov nhấn mạnh: "Nga để ngỏ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường chính trị và ngoại giao, nhưng triển vọng của kịch bản này khá mong manh, vì Kiev và phương Tây tiếp tục hy vọng vào việc sử dụng vũ lực".
Theo ông Gatilov, Nga "tôn trọng mọi nỗ lực của các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Ukraine" khi đã có nhiều đề xuất và sáng kiến được đưa ra.
Điều này phản ánh sự hiểu biết ngày càng tăng rằng những diễn biến hiện nay tại Ukraine đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh khu vực mà còn đối với an ninh toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Gatilov nhấn mạnh cần phải làm việc một cách có mục tiêu với Ukraine và phương Tây để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Theo ông, để đạt được điều này phương Tây cần ngừng cung cấp vũ khí và những hỗ trợ khác cho Ukraine.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Kể từ đó, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đề xuất cho phép một ngân hàng Nga đang bị trừng phạt thiết lập một chi nhánh mà có thể kết nối với mạng lưới tài chính toàn cầu. Báo Financial Times (FT) ngày 3/7 cho biết điều này nhằm bảo vệ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen vốn cho phép xuất khẩu lương thực ra thị trường toàn cầu.
Theo FT, kế hoạch này được Nga đề xuất thông qua các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian, theo đó chi nhánh được thành lập sẽ giúp xử lý các khoản thanh toán liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc. Thực thể mới sẽ được phép sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã đóng cửa đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi đầu năm ngoái.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. Tổng thống Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.
Theo TTXVN/Vietnam+